Phần 1: Những thăng trầm trong sự nghiệp
Trước khi gặp bà, tôi đã tìm kiếm trên Google cái tên Nguyễn Hoàng An - HLV Điền kinh, cũng như tìm gặp một số người từng quen biết bà và tự thấy rằng lượng thông tin như vậy là tương đối, mình đã biết đu đủ. Chuyện gặp có lẽ chỉ để chụp vài tấm hình, thế là ổn. Nhưng sớm hôm ấy - một ngày đẹp trời, qua phố Đội Cấn ồn ào, tấp nập, ngồi trong căn phòng nhỏ trò chuyện với bà - một người sôi nổi, thân thiện và đầy nhiệt huyết, trong lòng tôi tràn ngập sự mến phục và trào dâng niềm hối thúc từ sâu thẳm trái tim để viết về bà, về tình yêu của bà dành cho thể thao không bao giờ nguội tắt...
Sinh năm 1944 tại vùng quê nghèo tỉnh Hà Nam, cô gái trẻ Nguyễn Hoàng An đã được nhiều người biết đến qua thành tích xuất sắc từ phong trào TDTT học sinh, sinh viên. Năm 1959, khi mới ở vào cái tuổi 15, cô gái trẻ Hoàng An đã được tuyển vào trường Huấn luyện thể thao (lúc ấy được đặt tại Cung thể thao Quần ngựa). Có thể nói quyết định vào trường là một bước ngoặt trong cuộc đời bà, để rồi sau này cái nghiệp thể thao đã ăn sâu vào máu và gắn liền với mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của bà.
Cũng trong khoảng thời gian này, Nguyễn Hoàng An và một vài VĐV khác đã vinh dự được đại diện cho Việt Nam thi đấu tại các giải Ganefo tại Trung Quốc, Triều Tiên, Indonesia... và giành được nhiều thành tích xuất sắc. Nhưng thành tích nổi bật và đáng nhớ nhất thời niên thiếu của bà phải kể đến chức Vô địch giải học sinh, sinh viên toàn miền Bắc. Thành tích ấy có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời bà, nó như phần thưởng vô giá cho những nỗ lực không biết mệt mỏi trong quá trình tập luyện gian khổ, và hơn hết thành tích ấy như một lời khẳng định cho quyết định đúng đắn khi theo nghiệp thể thao của bà nhiều năm trước và tăng thêm niềm tin vào tương lai, vào những mục tiêu đã đặt ra trước mắt.
Năm 1968, do hoàn cảnh không cho phép, trường Huấn luyện thể thao giải tán, lớp VĐV, cầu thủ của nhiều môn thể thao như: Điền kinh, Bơi lội, Bòng bàn, Bóng chuyền, Bóng đá... đã tìm cho mình những công việc khác nhau để sống và chiến đấu, có người công tác tại ngành Bưu Điện, Đường sắt, Dệt may... họ được ví như bầy chim toả đi nhiều vùng miền của Tổ quốc để phục vụ sự nghiệp phát triển TDTT của ngành nói chung và những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ kháng chiến. Dù dưới cương vị nào, lớp cán bộ ngày ấy vẫn luôn giữ đúng tinh thần vượt khó đã được tôi luyện trong môi trường thể thao để áp dụng vào cuộc sống và công việc, nhiều người đã thành đạt và trở thành những cán bộ chủ chốt của ngành như các ông, bà: Trần Duy Long; Bùi Tử Liêm; Nguyễn Văn Trọng; Lê Đình Chính, Nguyễn Thị Minh; Nguyễn Mậu Thư; Huỳnh Kim Giao...
Được tín nhiệm kể từ năm 1973 đến 2000, bà An đảm nhiệm trọng trách là HLV Điền kinh của Sở TDTT Hà Nội. Cũng trong thời gian này, bà còn giữ chức Phó hiệu trưởng trường Văn hoá TDTT. Sau khi đất nước thống nhất (1975), phong trào TDTT ngày càng được quan tâm và khởi sắc, đặc biệt là môn Điền kinh. 2 trung tâm lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư và phát triển môn thể thao này nên ở hầu hết mọi giải đấu, việc tranh giành huy chương chỉ diễn ra giữa 2 đơn vị. Cùng với các HLV khác, bà An đã góp phần không nhỏ trong việc giữ vững thành tích đứng đầu của Hà Nội ở môn Điền kinh trong suốt một thời gian dài, nhiều VĐV dưới sự dẫn dắt của bà đã trở thành những VĐV quốc gia giỏi, giữ nhiều kỷ lục của Điền kinh Việt Nam, tiêu biểu phải kể đến như: Trần Thanh Vân, Hoàng Kim Cúc, Nguyễn Ngọc Thuý, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Kim Lợi, Nguyễn Bích Vân, Vũ Bích Hường...
Với những đóng góp cho thể thao nước nhà, bà An đã vinh dự được nhận nhiều Huân chương lao động, Bằng khen của Chính phủ và ngành TDTT như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì tổ chức tốt Tiger Cup tại Việt Nam lần thứ Nhất (1998); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có công đào tạo, huấn luyện VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games; Bằng khen của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (từ 1990 đến 2000)...
Xuân Nhi