 |
Cương đã không ngừnh ngừng nỗ lực để có được thành tích tốt nhất (Ảnh: N.Quang |
Biết Cương từ khá lâu, nhưng ít khi tôi có dịp được chứng kiến Cương thi đấu. Đối với tôi, hình ảnh Cương được 2 đối thủ dìu lên bục nhận HCV trong sự ngõ ngàng và khâm phục của hàng nghìn CĐV Thái Lan ở Nakhon Ratchasima tại SEA Games 24 vừa qua sẽ mãi là hình ảnh ấn tượng nhất.
Tuổi thơ khó nhọc
Nguyễn Đình Cương sinh ra và lớn lên tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Gia đình Cương rất nghèo, chỉ biết trông chờ tất cả vào mấy sào ruộng. Đã vậy, cha Cương không may mất sớm nên mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai nhỏ bé của mẹ. Là con út trong số 5 chị em Cương được mọi người trong gia đình rất cưng chiều. Mọi công việc đồng áng nặng nhọc đều được mẹ và các chị gánh vác, chẳng mấy khi Cương phải làm. Nhưng ngay từ bé, Cương đã cảm nhận được sự vất vả của mọi người, nhất là mẹ. Vì thế, em đã sớm tự mình làm những việc nhỏ để giúp mẹ. Em luôn mơ ước làm sao mình có đủ sức khỏe để có thể giúp mẹ được nhiều hơn nữa. Từ mong ước như vậy mà Cương đã tự mình quyết định tham gia tập luyện thể thao từ lúc đang còn học phổ thông.
Ít ai biết được rằng, thiếu chút nữa, Cương đã không theo con đường thể thao và như vậy, NHM Việt Nam cũng sẽ không được chứng kiến hình ảnh Cương được dìu lên bục nhận HCV. Bởi lẽ, dù có rất nhiều khó khăn nhưng mẹ Cương luôn tập trung tạo điều kiện cho các con của mình được ăn học như bạn bè. Vì vậy, gia đình luôn phản đối em tham gia thi đấu thể thao vì lý do muốn giành thời gian để cho em tập trung vào việc học. Nhưng mơ ước được trở thành VĐV đã nhen nhúm trong trong em từ chính những ngày học tập tại trường phổ thông. Không ai hiểu con hơn người mẹ và chính mẹ Cương đã cho em được quyền tự quyết định tương lại của mình thay vì áp đặt dù trong lòng bà không khỏi có những băn khoăn, suy nghĩ về con đường mà cậu con út đã quyết tâm đi theo.
Cương bắt đầu chứng tỏ được năng khiếu của mình qua các giải Điền kinh phong trào của huyện Yên Mô, Ninh Bình. Tuy nhiên, bước ngoặt dẫn em chính thức bước vào con đường thể thao là giải Việt dã do Báo Ninh Bình tổ chức năm 2000. Khi đó, em đang học lớp 11 và ở giải đó, Cương đã giành giải nhất. Thành tích của Cương đã thuyết phục cả những nhà chuyên môn khó tính và em đã được gọi tập trung vào đội tuyển của tỉnh. Những tiến bộ vượt bậc không ngừng của Cương khi thi đấu dưới mầu áo của tỉnh Ninh Bình đã giúp em lọt vào “tầm ngắm” của các nhà tuyển trạch Điền kinh quốc gia và 2 năm sau em đã chính thức có tên trong đội tuyển Điền kinh quốc gia nội dung cự ly trung bình.
Kỷ niềm buồn
Một kỷ niệm buồn và cũng là động lực để Cương phấn đấu rèn luyện chính là việc bị tước mất tấm HCV nội dung 1.500m tại SEA Games 23 diễn ra ở Philippines do lỗi của một đồng đội và cũng là bậc đàn anh mà Cương từng gắn bó ở đội tuyển quốc gia với một VĐV khác trên đường đua. Sự ấm ức vì bị tước tấm HCV dù lỗi không phải của mình bất chấp những nỗ lực hết sức khiến Cương cảm thấy chán nản. Cùng với đó là những chấn thương liên miên nên Cương đã có ý định giã từ đường chạy, chọn cho mình một công việc khác. Thậm chí, Cương đã xách túi rời khỏi Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng về nhà. Nhưng chính mẹ lại một lần nữa chỉ cho Cương đâu là con đường đi của mình. Thành công nào mà không được xây dựng nên từ những thất bại. Mẹ buồn vì cậu út chưa có được thành công dù đã nỗ lực hết mình. Nhưng mẹ còn buồn hơn khi Cương không kiên trì theo đuổi con đường mà chính mình đã quyết tâm lựa chọn. Được ở cùng mẹ dưới nếp nhà đơn sơ nhưng ấm cúng, Cương càng thấy rõ trách nhiệm của mình. Mẹ đã truyền cho Cương sự tự tin, lòng quyết tâm và khát khao giành chiến thắng. Cương cũng thấy trong đôi mắt mẹ là niềm hy vọng vô bờ bến con trai mình sẽ thành công. Ánh mắt đó của mẹ đã thúc giục Cương quay về Trung tâm với hành trang là lời hứa sẽ mang về tấm HCV cho mẹ.
Đối với Cương, mẹ luôn là một phụ nữ vĩ đại nhất. Ước muốn có sức khỏe để đỡ đần mẹ dạo nào vẫn luôn day dứt trong Cương. Bởi tập huấn liên miên nên thời gian Cương giành cho mẹ ngày càng ít dần đi. Căn nhà nhỏ bé đã che chở cho cả gia đình ngày nào giờ đã trở nên xập xệ theo thời gian. Muốn giúp mẹ được ở trong ngôi nhà khang trang hơn nhưng biết lấy đâu ra tiền bây giờ. Không ít lần Cương đã đưa mẹ ít tiền mà Cương dành dụm được từ những khoản tiền thưởng ít ỏi của mình để mẹ tiết kiệm sửa nhà, nhưng mẹ đều từ chối. Với mẹ, Cương là nguồn động viên, khuyến khích của cả gia đình và bà đã bắt Cương nhận lại số tiền đó để ăn uống cho có sức tập luyện, đem thành tích về cho đất nước cũng như rạng danh cho gia đình.
 |
Nguyễn Đình Cương sẽ là người vinh dự rước lá cờ Tổ quốc của đoàn TTVN trong Lễ Khai mạc Olympic 2008 (Ảnh: N.Quang) |
Thành công nhờ nỗ lực
Phải giành lại những gì thuộc về mình, với suy nghĩ vậy, Cương dốc sức tập luyện với cường độ rất cao cùng với người thầy (HLV Hồ Thị Từ Tâm) và đồng đội tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng. Và những nỗ lực, ý chí cùng lòng quyết tâm của Cương đã được đền đáp bằng 2 tấm HCV của Cương tại SEA Games 24 và hơn thế nữa còn giúp Cương đã phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại từ 14 năm nay.
Tại chặng 3 giải Điền kinh Châu Á Grand Prix mới đây được tổ chức tại Việt Nam, Cương đã giành được tấm HCĐ ở cự ly 1.500m với thành tích 3 phút 56 giây 68. Dù thành tích trên chưa đủ giúp Cương giành được xuất chính thức tham dự Olympic Bắc Kinh, nhưng những thành tích của Cương trên đấu trường quốc tế đã giúp Cương có tên trong danh sách đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Bắc Kinh. Không những thế, Cương còn vinh dự được chọn là người cầm cờ cho đoàn TTVN tại Lễ Khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 tới đây. Chúc Cương sẽ có thêm những thành tích mới trong con đường mà mình đã chọn
T. Dương