Thành quả mà thể thao Việt Nam đạt được trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới là nhờ sự đóng góp của rất nhiều tài năng tên tuổi, trong đó phải kể đến những VĐV khuyết tật như Nguyễn Đình Hưởng - một trong những gương mặt được coi là có nhiều triển vọng của thể thao Người khuyết tật Việt Nam.
Thành tích mà Nguyễn Đình Hưởng đạt được tại Fespic Games - Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Malaysia vào cuối năm 2006 được xem là một dấu mốc quan trọng trong trong sự nghiệp thể thao của VĐV này khi xuất sắc vượt qua mức xà 1m40, mang về tấm HCV cho đoàn thể thao NKT Việt Nam. Có thể nói, 1 HCV trên đấu trường quốc tế đối với một VĐV bình thường chưa phải là quá lớn, nhưng đối với NKT thì thành tích ấy rất đáng khâm phục.
Mặc dù có tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1986), nhưng Nguyễn Đình Hưởng đã có trong tay 8 chiếc huy chương cả giải trong nước và quốc tế: 2 HCĐ nội dung nhảy cao và đẩy tạ tại Para Games 2003, tiếp đến năm 2005 giành được 1 HCV, 1 HCB nội dung ném lao, ném đĩa, đặc biệt trong năm 2006, Hưởng đã giành được 1 HCV, 2 HCB nội dung ném lao, ném đĩa và 1 HCV tại Fespic Games.
Là một người khiếm thị, trước mắt chỉ toàn là bóng tối, nhưng Hưởng đã biết vượt qua số phận để vươn lên sống, học tập và trở thành người có ích cho xã hội. Ngay từ khi còn là học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, Hưởng đã rất ham học hỏi, đặc biệt rất "mê" thể thao. Trong tâm trí của mình, Hưởng luôn ấp ủ ước mơ trở thành VĐV chuyên nghiệp. Cái ước mơ ấy quả là xa vời đối với một người khiếm thị. Nhưng như một cái duyên, thật tình cờ, được sự giúp đỡ của một người bạn Hưởng đã có dịp được thể hiện năng khiếu thể thao của mình. Lòng say mê và ước mơ trở thành VĐV thể thao đã thôi thúc Hưởng hăng say tập luyện để rồi cuối cùng vinh quang đã mỉm cười với VĐV này.
Khi được hỏi về thành tích, Hưởng cười khiêm tốn và chỉ nhắc tới những người thầy đã nhiệt tình giúp đỡ mình trong suốt thời gian qua như một lời cảm ơn sâu sắc. Hưởng tâm sự "Lúc đầu khi đến với thể thao em gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần (đi lại rất khó, thiếu thốn về trang thiết bị tập luyện). Những ngày đầu tập chưa quen, thường xuyên bị xây xát, đau ê ẩm khắp người, có lúc cảm thấy nản và tưởng như không thể vượt qua. Song nhờ sự động viên, giúp đỡ tận tình của thầy cô, bạn bè, em đã thành công.
Thể thao thực sự như một liều thuốc bổ đối với em bởi nó không chỉ mang lại sức khoẻ tốt mà đặc biệt giúp em lạc quan hơn trong cuộc sống... nhưng giá như những VĐV khuyết tật cũng được ăn ở tại chỗ giống như những VĐV bình thường thì việc tập luyện sẽ thuận tiện hơn rất nhiều và chắc chắn thành tích đạt được sẽ cao hơn".
Nguyện vọng của Nguyễn Đình Hưởng thật chính đáng song do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên việc các VĐV khuyết tật được tập luyện tập trung là điều vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, không bằng lòng với những gì đã đạt được, Hưởng đang cố gắng hết mình để có mặt trong đội tuyển tham dự Paralympic Bắc Kinh tới, "đây là mong muốn lớn nhất của em".
Thật đáng khâm phục, những con người kém may mắn như Hưởng và biết bao VĐV khuyết tật khác luôn biết vượt qua khó khăn, phấn đấu hết mình bằng tất cả niềm đam mê, tình yêu nghề nghiệp và khát khao chiến thắng. Hy vọng rằng, thể thao nói chung, thể thao NKT nói riêng sẽ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa không chỉ riêng của ngành TDTT, các ban, ngành liên quan mà còn của toàn xã hội .
Nguyệt Hương