Sau 5 ngày tranh tài sôi nổi, vừa qua tại SVĐ Tự Do - Thừa Thiên Huế, giải Vô địch Điền kinh trẻ Quốc gia 2007 đã khép lại với những thành công trong công tác tổ chức, chuyên môn... tuy nhiên, một vài hạn chế trong công tác điều hành giải cũng cần được khắc phục để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra và không ngừng nâng cao chất lượng của mỗi giải đấu.
Những thành công về chất lượng chuyên môn của giải
Tham dự giải có hơn 300 VĐV, đến từ 42 tỉnh, thành, ngành trong cả nước, tranh tài ở 42 nội dung (21 cho nam và 21 cho nữ). Đây quả là một con số đáng mừng cho sự phát triển của phong trào Điền kinh Việt Nam khi ngày càng có nhiều tỉnh, thành coi Điền kinh là môn thể thao trọng điểm và có sự đầu tư thích đáng. Chính vì vậy mà trình độ, chất lượng của công tác đào tạo đã được thể hiện khá rõ nét qua thành tích mà các VĐV đạt được. Ngoài đội mạnh - Hà Nội (với đa phần các VĐV đều được đi tập huấn dài hạn ở trong nước hay Trung Quốc; có chuyên gia ngoại, điều kiện sinh hoạt, tập luyện hơn hẳn các địa phương còn gặp khó khăn do thiếu nguồn kinh phí hoạt động), các đơn vị còn lại như: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hà Tây, Đà Nẵng... đều có trình độ tương đương nhau nên số huy chương được dàn đều cho mỗi tỉnh.
Song điều đáng nói ở chỗ, kỷ lục duy nhất được phá tại giải lại thuộc về Nguyễn Thị Mỹ Thoa (Khánh Hoà) ở nội dung 2000m chướng ngại vật. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, không chỉ đối với riêng đơn vị tỉnh Khánh Hoà mà đối với mỗi người làm công tác quản lý của ngành, Liên đoàn thì kỷ lục do Thoa thiết lập là minh chứng cho sự đầu tư đúng đắn vào môn thể thao cơ bản, đầy tiềm năng, triển vọng và mở ra những hy vọng có cơ sở tại các Đại hội lớn trên khắp hành tinh.
Một thành công nữa cần nói đến về mặt chuyên môn, đó là thành tích của các VĐV thuộc ĐTQG đều đảm bảo ở mức cần thiết. Một vài VĐV do bị chấn thương nên không phát huy được hết khả năng của mình nhưng những thành tích mà các VĐV này đạt được dự báo sẽ còn tiến xa hơn nữa và hoàn toàn có thể kế cận lớp đàn anh, đàn chị đi trước như: Bạch Phương Thảo ở cự ly 100m rào của Vũ Bích Hường, hay Dương Thị Nhật Anh - nội dung nhảy cao nữ của Bùi Thị Nhung...
Không ngừng nâng cao chất lượng công tác trọng tài
Không thể phủ nhận, Điền kinh là môn huy động nhiều Trọng tài nhất so với các môn thể thao khác, bởi ở mỗi một nội dung, với những nhiệm vụ khác nhau lại đòi hỏi có những Trọng tài tương ứng, như: Trọng tài điện tử, bấm giờ, đo thành tích, bắt lỗi... Tuy nhiên, với hơn 100 Trọng tài phục vụ, giải Điền kinh Vô địch trẻ Quốc gia năm 2007 đã diễn ra suôn sẻ và thu được những kết quả tích cực. Trong tổng số hơn 100 Trọng tài làm việc tại giải, có tới 30 Trọng tài quốc gia và quốc tế, được phân công làm Giám sát các cụm Trọng tài, vì vậy độ chính xác và tính công minh luôn được đảm bảo. Đặc biệt, 11 trọng tài điện tử (đều là các cán bộ của Viện Khoa học TDTT) đã góp phần xác định chính xác thành tích của các VĐV ở những nội dung chạy với hệ thống camera đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp (đơn cử như ở môn Đi bộ thể thao), nhận định của Trọng tài vẫn chưa thực sự chính xác, những sai sót này không phải do chủ tâm của những người "cầm cân nảy mực" gây ra mà chủ yếu là do yếu tố khách quan về vấn đề chưa nắm rõ luật. Việc đơn vị Đà Nẵng gửi đơn khiếu kiện BTC về trường hợp của VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc khi tham dự nội dung Đi bộ 5.000m sẽ là những kinh nghiệm quý giá không chỉ cho BTC mà còn đối với mỗi cá nhân các Trọng tài làm nhiệm vụ tại giải. Mặc dù, kết luận của Hội đồng Trọng tài là hoàn toàn thoả đáng, đảm bảo chính xác và công bằng khi xử loại VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc (do VĐV này đã mắc nhiều lỗi mà kỹ thuật đi bộ không cho phép) song để có tính thuyết phục hơn nữa, thiết nghĩ các Trọng tài phải không ngừng học hỏi, thường xuyên thực tế, mặt khác cũng đặt ra yêu cầu mới trong việc đào tạo, nâng cao hơn nữa trình độ điều hành giải.
Được biết, tháng 10/2007 sẽ có một lớp tập huấn Trọng tài Đi bộ thể thao do Liên đoàn Điền kinh tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Vì vậy, hy vọng trong những năm tới, đội ngũ Trọng tài Điền kinh Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tương xứng với tốc độ phát triển của môn thể thao được coi là "nữ hoàng", sánh ngang với các cường quốc mạnh ở một sân chơi đỉnh cao - Châu lục.
Hoa Hường