Thành tích của Thể thao Việt Nam năm 2005 như bức tranh lấp lánh sắc màu của những tấm huy chương cũng như những con người làm nên nó. Tô điểm vào bức tranh ấy là tác giả của 5 tấm HCV tại PARA Games 3 (Philippines) - VĐV Điền kinh (Hà Nội), Nhữ Thị Khoa. Nhân dịp năm mới, Phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có cuộc trò chuyện với chị.
* Xin chị cho biết con đường đến với thể thao của chị được bắt đầu như thế nào?
Con đường đến với thể thao của mình thật tình cờ, nhiều khi nghĩ lại mình vẫn còn cảm thấy rất bất ngờ và buồn cười. Nhưng đó là một quyết định đúng đắn. Khi đó mình đang bán bánh mỳ và gặp anh Chính, anh là VĐV Bóng bàn của Hiệp hội thể thao Người khuyết tật, anh đã "rủ" mình đi tập và thế là mình đi thôi.
Đến với thể thao mình cũng không mong là sẽ được nổi tiếng, được nhiều người biết đến, hay có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Đơn giản, mình chỉ nghĩ tập luyện thể thao sẽ giúp mình khoẻ mạnh hơn, được tiếp xúc với nhiều người cùng cảnh ngộ như vậy mình sẽ hoà nhập với mọi người, không còn mặc cảm, tự ti mà tự tin hơn trong cuộc sống. Cứ như vậy, dần dần tập lâu mình cũng yêu thích môn thể thao này và sau đó được tham gia thi đấu. Tháng 7/2003, mình tham gia giải Tiền PARA Games (Hà Nội) và giành được 3 HCV; Tháng 12/2003, tại giải PARA Games 2 (Việt Nam) mình đã giành được 5 HCV; Năm 2005, giải Tiền PARA Games mình cũng giành được 3 HCV và đến PARA Games 3 (Philippines) mình đã đạt được 5 HCV (trong đó có 3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội) đồng thời phá 3 kỷ lục PARA Games.
* Chị có cảm nghĩ gì khi biết mình được bầu chọn là một trong 5 VĐV khuyết tật xuất sắc năm 2005?
Năm 2003, mình cũng đã nhận được danh hiệu này, năm nay là lần thứ 2 mình may mắn được mọi người bầu chọn, mình cảm thấy vui lắm. Mình đã rất xúc động khi nhận được tin này, khách hàng của mình đến mua bánh ai cũng chúc mừng. Như vậy là mình đã đóng góp một phần công sức vào thành công của đoàn Thể thao Việt Nam, mình vẫn có ích.
Có được thành công ngày hôm nay, phần nhỏ là do sự nỗ lực của riêng bản thân mình trong quá trình tập luyện, song phần lớn là do sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của BHL. Các Bác, các Cô, các Chú ấy đã tạo mọi điều kiện như (xe thi đấu, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc khi đau, ốm) cho mình và đồng đội để mọi người có tư tưởng thoải mái và thi đấu thành công.
(Thật ngẫu nhiên, trong lúc Phóng viên của Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT trò chuyện cùng chị đã có một khách hàng đến mua 2 chiếc bánh mỳ và nói: "Thi đấu đạt 5 HCV lại được bầu chọn là VĐV xuất sắc, lần này thì tha hồ tiền thưởng nhé không phải đi bán bánh mỳ nữa".(cười) Chị quay sang nói với tôi: "Các HLV, VĐV có thành tích tốt, thi đấu đạt huy chương tại Đại hội thể thao vừa qua đều được khen thưởng, không bằng hình thức này thì bằng hình thức khác. Đây là một sự động viên, khích lệ có ý nghĩa lớn đối với tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực thể thao và nó lại càng có ý nghĩa hơn đối với những người như mình. Nhưng mình nghĩ, khi còn khoẻ thì mình hãy cứ lao động chăm chỉ, số tiền bán bánh hàng ngày cũng đủ để mình trang trải cuộc sống, còn số tiền thưởng mình sẽ để dành phòng khi đau ốm không thể làm việc được nữa").
* Sang năm mới chị có mong ước và dự định gì cho riêng mình?
Nếu sức khoẻ còn cho phép, mình sẽ tiếp tục tập luyện cho Hiệp hội thể thao Người khuyết tật để giành được nhiều huy chương hơn nữa tại các giải đấu, góp phần vào sự phát triển chung của nền thể thao nước nhà. Còn ngay lúc này, mình chỉ mong mình có sức khỏe và sẽ bán được nhiều bánh mỳ, vượt "chỉ tiêu" 200 chiếc bánh/ngày (cười).
* Xin chúc chị một năm mới mạnh khoẻ, thành công và hạnh phúc!
NTH