Những đóng góp to lớn trong công tác nghiên cứu cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng hệ phương pháp luận giúp Nhà nước hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển thể dục thể thao; xây dựng các chương trình, dự án trọng điểm trình Chính phủ phê duyệt; đề xuất các giải pháp xã hội hoá thể dục thể thao và kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao. Đây là sự đóng góp quan trọng nhất của Viện Khoa học Thể dục thể thao vào công tác chuyển đổi cơ chế quản lý ngành.
Xây dựng một số cơ sở sự nghiệp y - sinh học thể thao đầu tiên ở nước ta; từng bước đưa vào ứng dụng, góp phần thiết thực phục vụ cho sự phát triển thể dục thể thao nước nhà, tạo khả năng kết hợp giữa huấn luyện thể thao với y học thể thao và nghiên cứu khoa học.
 |
Viện Khoa học TDTT đã đào tạo nhiều Tiến sỹ cho ngành
(Ảnh: NN) |
Góp phần từng bước chuyển đổi nhận thức về nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam gắn với thể dục thể thao, dinh dưỡng trong học đường; xây dựng và hoàn thiện phương pháp phát triển thể dục thể thao quần chúng và thể dục thể thao giải trí; tiêu chuẩn hoá đánh giá sức khoẻ, thể chất con người.
Tăng cường ứng dựng công nghệ cao vào ngành thể dục thể thao, vào tổ chức Đại hội thể thao Quốc tế và vào khoa học công nghệ thể dục thể thao. Trên thực tế, cơ sở vật chất - kỹ thuật của Viện đã được trang bị hiện đại tương đương với một số nước Đông Nam Á tiên tiến.
Ngoài ra, công tác thông tin khoa học TDTT cũng được duy trì và phát triển tốt. Tạp chí “Khoa học thể thao” được xuất bản định kỳ theo đúng kế hoạch. Tới nay, Viện đã xuất bản 322 ấn phẩm “Khoa học thể thao”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận có giá trị khoa học. Thư viện khoa học của Viện có hàng ngàn đầu sách và tạp chí bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Hiện, Viện đang từng bước xây dựng Thư viện điện tử. Viện có trang web riêng với địa chỉ: http//www.vkhtdtt.vn thường xuyên cập nhật thông tin khoa học và các hoạt động khoa học TDTT quan trọng ở trong và ngoài nước. Viện Khoa học TDTT đã chủ trì tổ chức 02 Hội nghị khoa học quốc tế về TDTT vào năm 2003 và năm 2008, đồng thời cũng chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng trong nước về khoa học và y học TDTT.
Song song với đó, công tác tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh cũng để lại nhiều dấu ấn. Tính đến tháng 11/ 2009, Viện đã đào tạo được 59 tiến sĩ (trong đó 54 người đã được cấp bằng tiến sĩ, 5 người đã có quyết định công nhận học vị tiến sĩ). Số người đang theo học nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học TDTT là 58 người. Viện đã kết hợp với Học viện Quân Y đào tạo được 18 bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Y học thể thao....
Các nhà khoa học của Viện đã bảo vệ thành công 04 đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước, 16 đề tài khoa học cấp Bộ và hàng trăm đề tài khoa học cấp cơ sở; là tác giả của hàng chục sách giáo khoa, sách chuyên khảo, sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong toàn ngành. Các nhà khoa học của Viện đã nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều đề tài khoa học quan trọng góp phần tích cực vào sự phát triển của thể thao Việt nam cũng như việc tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế quan trọng tại nước ta như SEA Games 22 (2003) và Asian Indoor Games III (2009).
Thiên Hà (tổng hợp)