Tấm bảng lịch đếm ngược tại Trung tâm HLTT quốc gia I đã điểm đến con số 55, như vậy chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, SEA Games 24 sẽ chính thức diễn ra trên đất Thái và NHM Việt Nam sẽ một lần nữa được chứng kiến những cuộc tranh tài sôi nổi và quyết liệt của các cường quốc thể thao trong khu vực. Đoàn thể thao Việt Nam với mục tiêu đặt ra là đứng trong tốp 3 nước dẫn đầu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong đó có cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Chủ nhà gây khó
Bên cạnh việc cắt giảm các nội dung ở những môn được coi là thế mạnh của Việt Nam như: Bắn súng, Teakwondo, Karatedo, Wushu thì mới đây, phía nước chủ nhà Thái Lan đã đưa ra những quyết định "kỳ lạ", cụ thể như: thay đổi quả Cầu mây thi đấu, hạn chế độ tuổi VĐV tham dự môn Xe đạp lòng chảo... Và những thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thành tích của các VĐV.
Đã vậy chủ trương "nhập quốc tịch" cho các VĐV về thi đấu dưới màu áo của quốc gia mình đã ngày càng trở nên phổ biến, "tiên phong" trong vấn đề này phải kể đến các quốc gia như: Thái Lan, Indonesia, Maylaysia, Philippines... Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều đội tuyển quốc gia của Việt Nam mất cơ hội tìm kiếm huy chương cũng như giảm đi tính chất cạnh tranh tại giải đấu. Đơn cử như việc mơ Bạc của đội tuyển Bóng chuyền Bãi biển nữ cũng bị đe doạ bởi Philippines đã nhập quốc tịch cho các VĐV gốc Mỹ (xếp thứ hạng từ 20 - 30 tại Mỹ) về thi đấu tại giải này, hay ở môn Billiards - Snooker, mục tiêu bảo vệ HCV của các tay cơ Việt Nam cũng khó có thể thực hiện được bởi Singapore đang sở hữu 1 VĐV người Anh mới nhập quốc tịch, VĐV này đã từng đứng thứ 2 thế giới năm 2000...
Bài toán kinh phí
Bên cạnh những khó khăn từ phía đơn vị đăng cai, vấn đề kinh phí cho đoàn đã và đang là thách thức đối với các Nhà quản lý khi phải đưa ra quyết định ai đi, ai ở. Cùng chung hoàn cảnh như một số quốc gia trong khu vực, vừa qua đoàn thể thao Việt Nam đã dự kiến gút danh sách xuống còn 839 người (như vậy đã giảm khoảng 200 người so với sự kiến ban đầu). Với tiêu chí ưu tiên cho những đội tuyển, VĐV có khả năng giành huy chương tại Đại hội, đội tuyển Bóng rổ nam, nữ và một số VĐV như Bình Thơ (Cầu lông), Võ Thị Thanh Vy (Bơi)... đã sớm chia tay SEA Games 24. Tuy nhiên, trong số rất nhiều những lý do, xem ra cách lý giải của ông Lê Thanh Sang - Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam: "nếu tham dự mà biết không thể giành được huy chương thì cũng nên ưu tiên cho các VĐV trẻ, để họ có cơ hội đuợc nâng cao trình độ chuẩn bị cho những lần tham dự tiếp theo" thật thuyết phục.
Mặc dù, rất muốn tạo điều kiện để các VĐV được tham gia thi đấu, nâng cao trình độ nhưng trước thực tế khó khăn về kinh phí ,các Nhà quản lý đã phải cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra danh sách VĐV tham dự SEA Games 24. Rất có thể quyết định đó không làm thoả mãn được tất cả nhu cầu của các đội tuyển. Song, hơn bao giờ hết, những người hoạt động trong lĩnh vực TDTT cần hiểu được nỗi băn khoăn, trăn trở của những Nhà quản lý...
Có thể nói, khó khăn còn rất nhiều và việc chấp nhận những quy định mới của BTC SEA Games 24 cũng như những quy định khác của thể thao quốc tế là một phần của quá trình hội nhập và phát triển. Vì vậy, trong hoàn cảnh như hiện nay, biết vượt qua khó khăn, thử thách để có được chiến thắng không còn cách nào khác là phải dựa vào chính thực lực của bản thân mình.
Xuân Nhi