Kể từ sau tấm HCB Olympic Sydney 2000 của võ sỹ Trần Hiếu Ngân, những người làm thể thao Việt Nam đã có một cái nhìn khác về Thế vận hội. Đấu trường lớn nhất thế giới này không còn là một cái gì đó quá xa vời, ngoài tầm tay. Trái lại, người ta cảm thấy cánh cửa đã mở ra trước mắt...
...Nhưng thất bại của Teakwondo tại Olympic 2004 là bài học cho các nhà cầm quân: cửa mở không có nghĩa là “vào vườn hái quả” dễ dàng. Chính vì thế mà lần này, khi Olympic 2008 còn 2 năm, guồng quay săn huy chương của Taekwondo Việt Nam đã được khởi động mạnh mẽ...
Kiếm tìm sự hỗ trợ từ “ngoại lực”
Trở về từ chuyến đi cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái sang làm việc tại Hàn Quốc, ông Trương Ngọc Để, Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã thông tin với PV báo TTVN về các buổi tiếp xúc của đoàn Việt Nam với lãnh đạo LĐ Taekwondo thế giới (WTF), LĐ Taekwondo Hàn Quốc (ATU) tại Seoul.
Qua đó, phía Việt Nam đã nhận được các thoả thuận quan trọng từ phía 2 tổ chức này trong việc giúp đỡ Taekwondo Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Hàn Quốc sẽ cử sang Việt Nam một HLV giỏi, người đã từng vô địch thế giới nhiều năm ở 2 hạng cân 54kg và -58kg. Sự ủng hộ của các tổ chức như WTF và ATU có ý nghĩa rất lớn bởi Hàn Quốc là quốc gia mạnh nhất thế giới hiện nay trong môn quốc võ của mình. Trước đó, ông Để từng cho biết: “Khác với những lần trước đây, lần này, để hướng tới mục tiêu có huy chương, Taekwondo Việt Nam sẽ chọn hướng đi mới phù hợp và hiệu quả hơn.
Đó là đầu tư tập trung vào những hạng cân thế mạnh (hạng cân thấp và nội dung của nữ - PV). Sẽ rất khó hoàn thành được nhiệm vụ nếu như ta vẫn làm một cách đơn độc. Do đó, chúng ta sẽ kết hợp với một số nước, cụ thể như ở châu Âu là Pháp, châu Á là Iran và thêm một số quốc gia nữa để hình thành một “khối kết nghĩa” nhằm tạo sức mạnh.” Chuyến đi Pháp của đoàn cán bộ thể thao TPHCM hồi tháng 5, cộng với việc Việt Nam có quan hệ tốt với Iran (ĐT Việt Nam từng lấy Iran làm địa điểm rèn quân chuẩn bị cho Athens 2004) cho thấy những nỗ lực của Taekwondo Việt Nam trong việc tranh thủ nguồn “ngoại lực”.
Quan trọng nhất vẫn là nội lực
Sự hỗ trợ từ bên ngoài dù lớn đến đâu cũng trở thành vô ích nếu ta không có thực lực. Hiểu rõ điều này, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam xác định việc làm trước mắt là phải tập hợp được một đội tuyển mạnh, một BHL thống nhất và tập trung hẳn hoi ở một trung tâm để công tác quản lý, huấn luyện và tập luyện được tốt hơn. Để làm được việc này, BHL đội DTQG sẽ triệu tập từ 3 đến 4 VĐV được tuyển chọn tại các giải đấu trong nước cho mỗi hạng cân để các võ sĩ này hoàn thiện kỹ, chiến thuật của mình, đồng thời làm tăng tính cạnh tranh tích cực. Ngoài ra, ở mỗi hạng cân như thế BHL sẽ cắt cử riêng một HLV chăm sóc để đảm bảo chất lượng cao nhất. Việc có chuyên gia Hàn Quốc giỏi cho một số hạng cân thế mạnh sẽ là tin vui cho thày trò ĐTQG Taekwondo.
Về địa điểm tập luyện, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam sẽ phối hợp cùng một số doanh nghiệp của thành phố đầu tư xây dựng một trung tâm võ thuật có tên “Việt - Hàn” với mô hình như trung tâm Kukkiwon, trung tâm đào tạo Taekwondo lớn nhất thế giới đặt tại Hàn Quốc. Toà nhà cao 22 tầng (có tổng kinh phí xây dựng khoảng 30 triệu USD) sẽ được khởi công vào tháng 9 tới và hoàn thành sau 1 năm rưỡi. 3 tầng đầu sẽ được sử dụng làm trung tâm đào tạo môn Taekwondo. Hai tầng tiếp theo dành cho các môn võ thuật khác. Các VĐV xuất sắc sẽ được mua nhà với giá rẻ...
Săn huy chương Olympic sẽ là một phần trong chương trình phát triển Taekwondo Việt Nam trong những năm tới. Từ những bước chuẩn bị này, người ta có thể dự báo trước cú đột phá sắp tới của Taekwondo Việt Nam. Dõi theo bước chân của những người chèo lái con thuyền Taekwondo Việt Nam, người hâm mộ đang thầm hy vọng về một ngày chiến thắng sẽ đến.
Theo thethaovietnam.com.vn