Đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã ba lần liên tiếp giành vị trí nhất toàn đoàn tại Giải vô địch Pencak Silat thế giới (tại Pahang, Malaysia cuối tháng 10 vừa qua). Với thành tích 12 HCV, 8 HCB và 3 HCĐ, đoàn Việt Nam đã hơn đoàn đứng thứ Nhì là chủ nhà Malaysia 5 HCV. Thành tích này thật sự đã làm nức lòng NHM và khẳng định sự đầu tư đúng đắn của ngành TDTT với môn thể thao này. Pencak Silat luôn được coi là “mỏ Vàng” của TTVN tại các kỳ SEA Games. Tại SEA Games 23, dù phải thi đấu trên đất khách, Pencak Silat đã có đến 8 hạng cân được dự trận chung kết và các VĐV Việt Nam đã mang về cho tổ quốc 7 chiếc HCV.
Tuy nhiên, chỉ tiêu thành tích mà Pencak Silat Việt Nam đăng ký tại SEA Games 24 lại "khiêm tốn" với 3 HCV. Đây là con số khá bất ngờ so với thành tích vang dội của Pencak Silat Việt Nam lại giải Vô địch thế giới. Liệu chỉ tiêu 3 HCV mà BHL đăng ký có thấp so với thực lực của Pencak Silat Việt Nam?
Cắt giảm nội dung thi đấu
Theo Điều lệ, môn Pencak Silat tại SEA Games 24 sẽ có 4 nội dung quyền và 13 nội dung đối kháng (8 nội dung nam và 5 nội dung nữ) so với 13 hạng cân của SEA Games 23. Như vậy, số nội dung thi đấu ở SEA Games 24 đã giảm hơn nhiều so với SEA Games 23 và bằng 1/2 so với các kỳ SEA Games trước đó. Số nội dung cắt giảm chủ yếu lại thuộc các hạng cân sở trường của các VĐV Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu huy chương của Pencak Silat Việt Nam.
Bên cạnh đó, nội dung biểu diễn quyền (Seni) là thế mạnh gần như tuyệt đối của Indonesia. Do đó, cạnh tranh huy chương với các VĐV xứ sở "vạn đảo" ở nội dung này là điều vô cùng khó.
Số lượng nội dung bị cắt giảm khiến việc giành HCV trở nên khó khăn, nhất là khi có đến 4 nước được coi là quê hương của Pencak Silat: Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore và nước chủ nhà Thái Lan đều tập trung lực lượng mạnh nhất của mình cho SEA Games.
Thực lực
Trên thực tế, tại giải Vô địch thế giới vừa qua, trong tổng số 12 HCV mà các VĐV Việt Nam giành được thì chỉ có 5 HCV nằm trong nội dung thi đấu tại SEA Games 24. Đó là các tấm HCV của VĐV Hà Anh Tuấn (50kg nam); Nguyễn Bá Trình (60kg nam); Đinh Công Sơn (75kg nam); Huỳnh Thị Thu Hồng (hạng 55kg nữ) và Nguyễn Thị Phương Thuý (65kg nữ). Tuy nhiên, nhìn vào thực tế diễn biến trên thảm đấu thì những tấm HCV này có được đều không xuất phát từ ưu thế hơn hẳn của các VĐV Việt Nam. Phần lớn các trận đấu, VĐV Việt Nam giành chiến thắng 3/2. Không có được chiến thắng áp đảo trước đối thủ sẽ vô tình tạo ra khó khăn bởi những tính toán ngoài thảm đấu. Bên cạnh đó, chấn thương của Nguyễn Bá Trình (gãy xương mác) khiến anh khó có khả năng kịp phục hồi để tham dự SEA Games 24.
Trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đã có sự chuyển biến rất mạnh vào việc đầu tư nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn thì sự đầu tư cho Pencak Silát Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ngay nước chủ nhà Thái Lan dù không giành được HCV nào tại giải Vô địch thế giới vừa qua nhưng cũng có sự đầu tư rất lớn cho Pencak Silat. Thái Lan đã mời HLV kỳ cựu Suhartono (Indonesia) về làm chuyên gia. Đây cũng chính là chuyên gia đầu tiên của Pencak Silat Việt Nam. Cùng với Thái Lan, Phillipinnes cũng mời chuyên gia Indonesia tới huấn luyện cho các VĐV của mình.
Theo BHL đội tuyển Pencak Silat Việt Nam, các quốc gia trong khu vực cũng đề ra chỉ tiêu khá cao cho đội tuyển nước mình. Cụ thể: Malaysia: 5 HCV; Singapore: 4 HCV; Indonesia: 5 HCV; Philippines: 1 HCV; Myanmar: 1 HCV. Ngay chủ nhà Thái Lan với chuyên gia Suhartono cũng khẳng định chỉ tiêu 5 HCV. Nếu căn cứ theo thông tin này thì tổng số huy chương các nước đăng ký là 20 HCV trên tổng số 13 nội dung thi đấu (chưa tính đến chỉ tiêu đăng ký của Việt Nam). Thực tế diễn biến tại giải Vô địch thế giới cũng như thực lực của mỗi đội tuyển trong khu vực, có thể nhận thấy Indonesia hoàn toàn có khả năng giành được 3 HCV (bao gồm cả 1 HCV nội dung biểu diễn). Các nước khác như Malaysia, Singapore sẽ cố gắng có được 2 HCV. Thái Lan với lợi thế chủ nhà cũng có thể sẽ giành được 2 HCV. Philippines và Myanmar khó có khả năng giành nhiều hơn 1 HCV cho mỗi nước. Như vậy, nếu xét theo thực lực của các nước trong khu vực, Pencak Silat Việt Nam có cơ sở thực tế để đặt chỉ tiêu tối thiểu 3 HCV và vẫn là nước dẫn đầu về Pencak Silat trong khu vực.
Nói như vậy không có nghĩa là BHL và các VĐV hài lòng với chỉ tiêu đề ra bởi đây là chỉ tiêu tối thiểu phải giành được. Chính vì vậy, ngày từ thời gian đầu tập trung đội tuyển, lãnh đạo Ngành, Bộ môn Pencak Silat và BHL đã xác định phải lựa chọn đội hình là các VĐV có trình độ tốt nhất và đều có khả năng tranh chấp HCV với các đối thủ trong khu vực. Mặc dù gặp nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan nhưng hy vọng Pencak Silat Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị trí số 1 của mình tại SEA Games tới.
N.Quang