Giải Pencak Silat ĐNA lần thứ nhất vừa kết thúc tại Tp. Hồ Chí Minh được coi là có những thành công nhất định. Bên cạnh 13 chiếc HCV và vị trí Nhất toàn đoàn - khẳng định ưu thế về chuyên môn, những kết quả khác như: công tác tổ chức, điều hành giải là điểm sáng không thể phủ nhận của BTC nước chủ nhà. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy khá rõ qua từng giải đấu là lực lượng VĐV của ta ngày càng mỏng, thể hiện rõ qua việc dần mất đi ưu thế ở các hạng cân truyền thống. Một trong những lý do chính khiến Pencak Silat Việt Nam rơi vào tình cảnh ấy là sự thiếu hụt lực lượng do chấn thương và sự giải nghệ của một số võ sỹ trụ cột. Đây chính là mối lo lớn nhất mà Pencak Silat Việt Nam đang gặp phải cũng như thực trạng rất đáng ngại mà các môn thể thao thế mạnh của ta (Wushu, Bóng đá nữ, Canoeing...) đang phải đối mặt trong thời gian gần đây. Tất nhiên, thành tích tại giải là một điều đáng mừng, nhưng các nhà quản lý vẫn cần tỉnh táo để nhanh chóng tìm ra các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết tình trạng trên. Tất cả những động thái đó không nằm ngoài mục tiêu củng cố, khẳng định trình độ và đẳng cấp của Silat Việt Nam trên bản đồ thể thao khu vực và thế giới.
Đầu tiên phải kể tới sự cố của võ sỹ Trịnh Thị Ngà - người 3 lần Vô địch SEA Games và cũng là một trong những gương mặt hàng đầu của cả nước, đã đóng góp nhiều thành tích cho thể thao nước nhà tại đấu trường khu vực và châu lục nhiều nằm qua. Tại SEA Games 24 (12/2007), chấn thương gối dai dẳng nhiều tháng đã khiến Trịnh Thị Ngà không thể thi đấu trong trận chung kết và phải bỏ cuộc. Lần phẫu thuật vào cuối tháng 3 vừa qua tuy đã thành công nhưng nhiều khả năng võ sỹ này vẫn không thể trở lại thảm đấu. Đây sẽ là một mất mát lớn đối với Pencak Silat Việt Nam nói riêng và TTVN nói chung.
Tiếp đến, phải kể đến võ sỹ Nguyễn Thanh Quyền - người đã giành chiến thắng thuyết phục và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả tại SEA Games 24 khi giành HCV hạng 85kg... rồi lại không được trao huy chương với lý do hạng cân này không có trong chương trình thi đấu (?). Chấn thương gối mà Quyền gặp phải còn nghiêm trọng hơn của Trịnh Thị Ngà, bởi sau nhiều năm chữa trị, vừa qua chính bác sỹ thể thao người Đức đã kết luận: Chấn thương của Quyền không thể phẫu thuật mà phải nghỉ tập mới đảm bảo sức khoẻ cho sinh hoạt bình thường.
Chưa hết, những gương mặt Vàng một thời của Silat Việt Nam như: Nguyễn Bá Trình, Vũ Thế Hoàng... cũng đã giải nghệ vì nhiều lý do: chấn thương, nhiệm vụ học tập, thậm chí tai nạn giao thông... tất cả đã khiến các võ sỹ này phải bỏ dở sự nghiệp mà mình đang theo đuổi...
Trở lại giải Pencak Silat ĐNA lần thứ nhất tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, thành phần đội tuyển Việt Nam chủ yếu là những gương mặt còn khá mới, những lớp VĐV như: Đinh Công Sơn, Nguyễn Duy Chiến, Nguyễn Phương Thuý, Lê Thị Hồng Ngoan... đều đạt được thành tích cao nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn các VĐV này đều đã khá lớn tuổi và bắt đầu có những dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, lực lượng này vẫn được coi là đội quân chủ lực của Pencak Silat trong việc thực hiện những nhiệm vụ cao cả. Để chuẩn bị toàn diện về lâu về dài cũng như rút ngắn khoảng thời gian chuyển giao giữa 2 thế hệ, vấn đề cốt lõi đặt ra cho Pencak Silat hiện nay đó chính là việc bổ sung, xây dựng, lực lượng VĐV kế cận cần phải nhanh chóng được giải quyết.
Xuân Nhi