Cờ Vua ở Việt Nam phát triển sau nhiều môn thể thao khác nhưng tốc độ phát triển khá nhanh. Đến nay, Cờ Vua là một trong những môn thể thao mũi nhọn và đang được đầu tư quan tâm phát triển trong chiến lược của ngành TDTT. Sự thành công của các kỳ thủ Việt Nam đã chứng minh và khẳng định con đường đúng đắn mà ngành dành cho môn thể thao trí tuệ này. Những VĐV Cờ Vua đã đóng góp cho thể thao Việt Nam những nhà Vô địch thế giới, Đại kiện tướng thế giới, Kiện tướng thế giới, Kiện tướng quốc tế, kiện tướng FIDE...
Được sự quan tâm đầu tư của ngành TDTT cũng như của Liên đoàn Cờ Việt Nam, Cờ Vua đã có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Liên đoàn Cờ (tiền thân là Hội Cờ Tướng Việt Nam) được thành lập năm 1965 nhưng đến 1975 Hội Cờ gần như không còn hoạt động. Nhằm mở rộng và phát triển phong trào Cờ Vua, năm 1978, Tổng cục TDTT (nay là Uỷ ban TDTT) đã ra chỉ thị số 73/CT để hướng dẫn phong trào Cờ Vua phát triển rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh. Đây là mốc đánh dấu những bước đi đầu tiên của Cờ Vua nước nhà.
Ngày 5/8/1980, Bộ Giáo dục đã ra văn bản số 1787/TDQS về việc chính thức đưa Cờ Vua vào giảng dạy trong các trường phổ thông, các trường Cao đẳng, Đại học Sư phạm và trường Đại học TDTT trên phạm vi toàn quốc. Điều đó đã thúc đẩy cho Cờ Vua được phát triển rộng rãi hơn nữa.
Ngày 15/12/1980, Hội Cờ được thành lập lại lấy tên là Hội Cờ Việt Nam do ông Hồ Trúc, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo làm Hội trưởng. Hội đã mạnh dạn đưa môn Cờ vào Việt Nam nhằm phát triển sâu rộng ở mọi đối tượng trong xã hội và thực tế đã chứng minh cho quyết định đúng đắn đó.
Lãnh đạo Liên đoàn Cờ là cán bộ ngành Giáo dục - Đào tạo (Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hiển là Bộ Trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; ông Ngũ Duy Anh, thường vụ Liên đoàn Cờ Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên) nên Cờ Vua có điều kiện phát triển phong trào sâu rộng trong nhà trường. Bên cạnh đó, Cờ Vua trẻ rất được sự quan tâm đầu tư của nhiều địa phương. Có thể nói, những yếu tố đó cùng với tiềm năng của học sinh Việt Nam đã tạo nên nền tảng cho sự phát triển Cờ Vua về phong trào và đỉnh cao.
Đóng góp một phần không nhỏ trong sự thành công của Cờ Vua trong thời gian qua là lực lượng HLV. HLV Cờ Vua Việt Nam tuy lúc đầu chưa được đào tạo bài bản nhưng họ làm việc với lòng nhiệt huyết, sự nỗ lực, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm trong thực tế. Những năm gần đây được sự đầu tư của ngành TDTT và ngành GD, các HLV Cờ Vua đã được đào tạo một cách có hệ thống, bài bản tại các trường Đại học, Cao đẳng TDTT . Liên đoàn Cờ đã mời những chuyên gia giỏi của những nước có phong trào phát triển mạnh (chủ yếu là Liên Xô cũ) sang giúp huấn luyện Cờ Vua và mở những lớp đào tạo HLV Việt Nam nhằm nâng cao trình độ huấn luyện của các HLV trong nước. Theo ông Đặng Tất Thắng (P.Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam), Cờ Vua Việt Nam đầu tư nâng cao trình độ HLV và sẽ sử dụng nguồn lực HLV trong nước là chủ yếu.
Gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của Cờ Vua nước nhà là sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn trở ngại của các VĐV. Khi trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Tất Thắng cho biết: "Phải nói là VĐV Cờ Vua của chúng ta đã rất cố gắng, đặc biệt là các VĐV nữ, vừa thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ nhưng vẫn tham gia thi đấu. Có những VĐV nam có khả năng xuất chúng đã cố gắng tập luyện, duy trì, phát triển tích cực cống hiến cho làng Cờ." Cờ Vua ít được sự đầu tư từ các nguồn tài trợ nên có nhiều giải mang tính quốc tế, một số VĐV đã phải thi đấu tự túc bởi trong họ luôn khao khát được thi đấu với những đối thủ mạnh như chinh phục những đỉnh cao mới. Cờ Vua là môn thể thao trí tuệ đòi hỏi tư duy, sự nỗ lực ý trí rất cao của bản thân VĐV. Để làm được điều đó người chơi cờ không chỉ có năng khiếu mà phải có sự đam mê cờ sâu sắc. Bất cứ khi nào có thời gian các VĐV đều giành cho việc tập luyện cờ dưới nhiều hình thức: tự mình nghiên cứu tài liệu, sách vở, phân tích những ván cờ hay, chơi cờ trên máy tính...
Có thể nói, thành công của Cờ Vua ngày hôm nay có được là do sự quan tâm, lãnh đạo của ngành TDTT cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy và trò, những người làm công tác chuyên môn. Tuy nhiên, Cờ Vua đỉnh cao ở nước ta tập trung phần lớn vào lứa tuổi trẻ. Muốn thu hút được VĐV theo được nghiệp cờ lâu dài, rất cần sự phối hợp đầu tư hơn nữa của các ban, ngành và các nhà tài trợ để Cờ Vua Việt Nam tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
HX