Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ 5 đã thống nhất, chúng ta cần cải tổ LĐBĐ một cách sâu rộng và triệt để, từ cơ cấu tổ chức, nhân sự, công tác thu hút tài trợ và cả cách thức tiếp cận với truyền thông, báo chí...Là PCT, phụ trách truyền thông, theo ông LĐBĐ sẽ đổi mới như thế nào ở phần việc mà ông đảm nhận?
+ Truyền thông, báo chí là một bộ phận cấu thành trong sự phát triển của Bóng đá và Thể thao nói chung. Báo chí ngoài chức năng tuyên truyền còn góp phần phát hiện các vấn đề cần giải quyết, khắc phục, của Thể thao và Bóng đá. Từ đó, những người có trách nhiệm có thêm những kênh thông tin, giúp nhìn nhận, đánh giá, rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho công tác quản lý, chuyên môn. Bên cạnh đó, báo chí cũng có những tác dụng khác như tìm kiếm phát hiện tài năng trẻ, động viên cổ vũ phong trào...Tóm lại, đóng góp của truyền thông , báo chí với sự phát triển Bóng đá là rất quan trọng, Ban chấp hành LĐBĐ nhiệm kỳ 5, đánh gía cao và rất quan tâm tới việc tạo dựng mối quan hệ tốt giữa Liên đoàn và các cơ quan thông tin đại chúng, huy động, tận dụng sức mạnh của báo chí, đóng góp xây dựng cho sự phát triển của BĐVN: các vấn đề của đội tuyển, hướng phát triển, đào tạo BĐ trẻ, động viên thành tích thi đấu... tóm lại là chia sẻ trách nhiệm, cũng như tạo điều kiện hết mức cho báo chí làm tốt chức năng cầu nối giữa Liên đoàn, các cơ quan chức năng và người hâm mộ.
- Dư luận cho rằng, thời gian qua LĐBĐ và giới truyền thông, báo chí đôi chỗ, đôi lúc còn chưa "hiểu nhau". Trên cương vị Tổng biên tập - một nhà báo, theo ông, Báo chí nên có thái độ và hành động, như thế nào để có thể giúp ích cho sự phát triển của BĐVN?
+ BĐVN đang trong quá trình phát triển, mọi thứ trước mắt đều mới mẻ, cần phải học hỏi, sửa chữa nhiều, quan hệ với báo chí cũng không ngoại lệ. Không thể phủ nhận những khiếm khuyết của LĐBĐ và những người có trách nhiệm ở LĐBĐ đã mắc phải trong thời gian qua, mà đáng tiếc nhất là chúng ta lại vô tình hoặc cố bưng bít, dấu diếm. Trong khi đó, báo chí, với đặc điểm "săn tìm" thông tin đặc trưng của mình thì cố gắng, nỗ lực khai thác những thông tin "nóng" nhất, nhanh nhất đưa lên mặt báo, tôi đã từng nói, báo chí vất vả quá, viết về Thể thao, viết Bóng đá mà như "thày bói xem voi", anh sờ cái chân, anh sờ cái vòi...mỗi người tiếp cận với một nhân vật, khai thác thông tin ở một góc độ, quan điểm khác nhau, bởi báo chí chưa được tạo điều kiện để có thể tiếp cận với thông tin một cách đầy đủ nhất, rõ ràng nhất. Vì thế mà LĐBĐVN cứ phải liên tiếp chống chọi với những "cơn sóng" báo chí dữ dội, và mối quan hệ giữa LĐ và báo chí chưa được ở mức như nó cần phải có.
- Đã có ý kiến cho rằng, nên chăng, xây dựng một văn bản mang tính pháp quy, nhằm tránh những phát sinh không đáng có giữa LĐBĐ và giới truyền thông, báo chí, Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
+ Trong phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành mới, thay vì như thường lệ, chúng tôi đã kết thúc sớm 30 phút, để giành thời gian còn lại cho các nhà báo, PV khai thác thông tin. Đầy đủ tất cả mọi người, có gì muốn tìm hiểu, xin các nhà báo cứ hỏi. Không có gì phải dấu diếm với báo chí. Tôi quan niệm rằng, kể cả sai, thì cũng phải công khai, minh bạch, có làm thì có sai, nhưng quan trọng là phải biết nhận lỗi, để sửa chữa, không tái phạm, phát huy tinh thần xây dựng. Chúng tôi sẽ giành cho báo chí những điều kiện tốt nhất để tác nghiệp, vì thế, ngược lại báo chí phải viết đúng, viết hay, góp phần cổ vũ, thúc đẩy sự phát triển của BĐVN. Nếu chúng tôi làm được như thế rồi, mà vẫn có những người cố tình đưa tin không chính xác, hoặc cố tình bóp méo, lập lờ, gây nhiễu thông tin, để hậu quả không tốt trong dư luận, chúng tôi sẽ theo Luật báo chí, liên hệ với các cơ quan chức năng tìm biện pháp xử lý.
- Báo chí viết về Thể thao và nhất là Bóng đá hiện nay, hình như hơi thiên về việc nêu sự kiện hoặc tường thuật nó, mà "bỏ quên" một vế rất quan trọng là cách ( hoặc ít ra là hướng) giải quyết, với nhiệm vụ, vai trò định hướng dư luận, tạo thông tin đa chiều, trung thực, nhằm phục vụ độc giả. Chúng ta muốn có một nền BĐ chuyên nghiệp, mà báo chí cũng được coi là một bộ phận quan trọng, thiết yếu, theo ông để "chuyên nghiệp hoá" mình, các nhà báo cần những điều kiện gì?
+ Xã hội ngày càng phát triển, Bóng đá, báo chí và tất cả những yếu tố xung quanh cũng vậy, đều phải dần hoàn thiện mình. PV và những người chuyên viết về bóng đá cũng phải tự nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình: - Cách quan sát, phát hiện và thể hiện vấn đề. Phải học tập trang bị các kiến thức thể thao chuyên sâu, luật lệ thi đấu, tâm sinh lý VĐV, khó khăn, thuận lợi của từng đối tượng để viết đúng, viết đủ tránh những thông tin, bài viết phản tác dụng, tác động không tốt tới VĐV, đặc biệt VĐV trẻ. Ngược lại, bản thân đối tượng phản ánh như ngành Thể thao, LĐBĐVN, các VĐV, cầu thủ cũng cần phải hiểu, nắm rõ luật báo chí, để có thể tự bảo vệ mình trước những thông tin sai lệch, có dụng ý xấu.
- Trên TG, hàng năm có những giải thưởng rất giá trị, trao tặng cho các nhà báo chuyên viết về Thể thao và BĐ nói riêng, có cần thiết phải có những giải thưởng như vậy, ý nghĩa của những giải thưởng ấy với BĐVN hiện nay và các nhà báo như thế nào?
+ Chúng tôi đã có kế hoạch và dự định thành lập CLB nhà báo chuyên viết về Bóng đá. Sẽ có những chế độ xứng đáng cho những đóng góp của báo chí với nền bóng đá nước nhà. Tạo điều kiện tốt nhất về vật chất cũng như tinh thần để các nhà báo phát huy kinh nghiệm, cũng như tâm huyết của mình cho sự phát triển của BĐVN.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi
Lưu Chu Hưng