Việc Giải Quần vợt Việt Nam mở rộng sẽ xuất hiện trong lịch thi đấu thường niên của ATP chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng. Báo giới quốc tế sẽ chú ý tới môn thể thao này và quần vợt Việt Nam sẽ có cơ hội chuyển mình, lột xác. Chúng ta cũng đã nhận được những nhận xét tốt đẹp từ phía Ban tổ chức khi Giải Việt Nam mở rộng lần 1 kết thúc. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, có một số khó khăn cần phải vượt qua để Quần vợt Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn.
Điều đầu tiên phải nói đến là căn bệnh "trạng thái" cố hữu trong thi đấu. Các VĐV của chúng ta có quá ít cơ hội để thi đấu cọ xát tại các giải quốc tế đó chính là lý do mà ngay cả tay vợt xếp hạng 1412 thế giới (có nhiều cơ hội cọ xát) như Đỗ Minh Quân cũng không tránh khỏi. Vậy làm sao để giải quyết vấn đề có thể xem là rào cản thành tích đối với các VĐV quần vợt nói riêng và VĐV Việt Nam nói chung.
Theo ông Đoàn Quốc Cường, Trưởng bộ môn Quần vợt Uỷ ban TDTT (Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam) thì cách giải quyết mang tính thuyết phục và thực tế nhất là các VĐV phải được thi đấu cọ xát thật nhiều. Thi đấu càng nhiều thì trạng thái căng thẳng của các VĐV càng giảm. Và chỉ khi thực sự cảm thấy thoải mái trước mỗi trận đấu, họ mới đạt được phong độ đích thực của mình.
Ngoài ra, các VĐV chúng ta còn một yếu điểm cần khắc phục đó là vấn đề thể lực. Có thể nói, tâm lý thi đấu và thể lực tốt là 2 yếu tố cần để làm nên thành công cho bất cứ một VĐV nào. Đó cũng là vấn đề chúng ta cần giải quyết khi ngày khai mạc SEA Games 23 đang tới gần.
Đó là những khó khăn của các VĐV đỉnh cao. Còn với bộ môn quần vợt, khó khăn nhất ở thời điểm này đó là làm sao phát triển hơn nữa phong trào trong quần chúng cũng như thể thao đỉnh cao. Hiện nay có khoảng hơn 2.000 sân quần vợt trên khắp cả nước, một nửa số sân trong đó nằm trên địa bàn Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh song hầu hết các sân quần vợt đều không được sử dụng cho mục đích tập luyện và đào tạo trẻ.
Nói về vấn đề này, ông Đoàn Quốc Cường cho biết: Muốn có đỉnh cao thì phải chú trọng tới đào tạo trẻ. Các Sở TDTT cần chú trọng đầu tư cho đào tạo trẻ, đẩy mạnh xã hội hoá như thành lập các CLB Quần vợt, các trường đào tạo mang thương hiệu. Một thực tế cho thấy việc thi đấu dưới một thương hiệu và bảo vệ thương hiệu có sức cuốn hút lớn. Một số CLB đã được thành lập và phát triển ở Tp Hồ Chí Minh như CLB Thanh niên, CLB Kỳ Hoà...Ngoài ra các địa phương còn cần mở rộng phong trào, tăng số lượng người chơi quần vợt.
Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, chúng ta cũng phải nhìn nhận những thành công bước đầu của quần vợt Việt Nam. Ngoài việc chúng ta chính thức được đăng cai Giải quần vợt mở rộng thuộc hệ thống Giải của ATP, cây vợt nữ Trần Thị Kim Lợi của chúng ta cũng vừa giành Giải 3 nội dung đôi nữ cùng tay vợt nữ người Ấn Độ, Venkataraman tại Giải Women Circuit (Indonesia).
Hiện nay đội tuyển quần vợt quốc gia gồm 4 VĐV nam và 4 VĐV nữ là Đỗ Minh Quân, Ngô Quang Huy, Lê Quốc Khánh, Trần Thanh Hoàng (nam) và Trần Thị Kim Lợi, Huỳnh Mai Huỳnh, Nguyễn Thuỳ Dung, Nguyễn Thuỳ Đan (nữ) đang tích cực tập luyện tại Trung tâm HLTT Quốc gia 1 với mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu 2 huy chương đồng nội dung đôi nam và đồng đội nam tại SEA Games 23. Được biết sau Giải Vô địch quốc gia được tổ chức 10 - 20/10, sẽ "gút" lại danh sách chính thức cho đội tuyển tham dự SEA Games 23. Trước kỳ SEA Games 23, các tay vợt nam của chúng ta còn có cơ hội tham gia thi đấu cọ xát tại Giải quốc tế Mens Future, Thái Lan.
Hy vọng những cơ hội thi đấu cọ xát quốc tế trước kỳ SEA Games 23 cũng như niềm tự hào trước sự kiện lần đầu tiên chúng ta được tổ chức Giải quần vợt nằm trong hệ thống thi đấu chính thức thường niên của ATP sẽ giúp các VĐVchúng ta không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có thể lập nên kỳ tích.
A.T