Là môn chiếm số lượng huy chương đứng thứ 2 tại SEA Games 24 với 43 HCV (chỉ sau Điền kinh - 45 HCV), Bơi Việt Nam đang ấp ủ niềm hy vọng Vàng tại Đại hội với thành phần đội tuyển được tập trung gồm các VĐV có trình độ và dạn dày kinh nghiệm: Phạm Thị Huệ, Trần Thị Thuật, Ân Đỗ Hạnh, Hoàng Thị Cúc, Nguyễn Thanh Hải, Võ Thái Nguyên, Nguyễn Hữu Việt, Nguyễn Ngọc Tuân, Đỗ Huy Long...
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến kình ngư trẻ Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng) - người đã mang về tấm HCV đầu tiên của môn Bơi trên đấu trường khu vực sau 46 năm chờ đợi. Khoảnh khắc khi Nguyễn Hữu Việt giành HCV nội dung 100m ếch tại SEA Games 23 - Philippines năm 2005 có thể coi là dấu mốc quan trọng và sẽ còn in đậm trong lòng những người làm công tác quản lý, đồng thời góp phần cổ vũ, khích lệ cho phong trào Bơi phát triển rộng khắp.
Tại SEA Games 24, Ban huấn luyện đội tuyển cũng đã xác định trọng tâm giành huy chương của Bơi Việt Nam là các nội dung: Bơi bướm nam, bướm nữ, bơi ếch nam, ếch nữ và bơi ngửa nữ. Kiện tướng Hoàng Thị Cúc với kiểu bơi chính là 100m - 200m bướm được đánh giá cao và cũng là một trong những hy vọng Vàng của thể thao Việt Nam. Các nội dung còn lại, Việt Nam khó có thể vượt qua được các VĐV Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia.
Một dấu hiệu tích cực, đảm bảo khả năng tranh chấp huy chương cao của các kình ngư Việt Nam đó chính là thành tích mà các VĐV đạt được qua những giải đấu gần đây. Như ngay từ đầu năm, tại giải Vô địch quốc gia bể 25m đã có tổng số 15 kỷ lục quốc gia được phá và điều đáng mừng là đa số những kỷ lục ấy đều do những cái tên quen thuộc nêu trên thiết lập. Hay tại giải Vô địch thế giới vừa qua, dù không tham dự với đội hình mạnh nhất nhưng các kình ngư của ta đã thể hiện tốt phong độ của mình và dự báo tại SEA Games 24, thành tích sẽ không chỉ dừng lại ở 2 HCV.
Tuy nhiên, ông Đỗ Trọng Thịnh - HLV trưởng đội tuyển Bơi cho biết: điểm yếu của Bơi Việt Nam là khả năng quay vòng còn chậm. Nguyên nhân là do các VĐV thường giảm tốc độ bơi trước khi vào thực hiện quay vòng, động tác quay cũng chưa đạt tới trình độ kỹ xảo. Nếu so sánh với các VĐV của Singapore thì tốc độ quay của ta còn kém nhiều (xấp xỉ 1 giây). Hơn nữa, trong quá trình thi đấu, các VĐV còn bộc lộ hạn chế về sức bền chuyên môn và đặc biệt khả năng rút đích chỉ đạt mức trung bình. Đây cũng chính là những bài tập đã được Ban huấn luyện xây dựng và áp dụng riêng biệt đối với từng VĐV nhằm phát huy tối đa sở trường của từng cá nhân.
Hiện nay, ngoài các bài tập chuyên môn, Ban huấn luyện cũng tích cực cho các VĐV tập trên cạn với máy tập Swim Bench để phát huy sức mạnh tốc độ và công suất hoạt động của cơ bắp. Ngoài giờ, hay trong những buổi tập thể lực, các VĐV thường xuyên tập với máy tập này và hiệu quả đem lại rất cao.
Một vấn đề nữa đặt ra cho Ban huấn luyện đội tuyển Bơi Việt Nam là khả năng tính toán "điểm rơi" của các VĐV sao cho hợp lý giữa 2 kỳ Đại hội - SEA Games 24 và ASIAN Indoor Games II. Chỉ một nước đi sai lầm, rất có thể thành tích, phong độ của các VĐV sẽ rơi vào giải đấu tầm châu lục. Mà tại đây, dù đã đạt được thành tích tốt nhất vốn có thì tuyển Việt Nam vẫn khó có thể giành được huy chương. Vì vậy, sân chơi ĐNA vẫn là mục tiêu quan trọng, hàng đầu mà Ban huấn luyện đội tuyển hướng tới.
Xuân Nhi