Triết lý bóng đá
Mỗi một giải đấu đều mang một màu sắc riêng, đó là màu sắc đặc trưng đã tạo nên thương hiệu. Người ta ca ngợi người Ý là một trong những nơi mà tư duy chơi bóng phát triển nhất thông qua những chiến thuật. Serie A bao thập kỷ qua dù bị không ít khán giả truyền hình chê là buồn ngủ nhưng không thể phủ nhận đây là giải đấu mà đấu pháp, chiến thuật có điều kiện phát triển mạnh nhất.
Tư tưởng chiến thắng thấm trong máu bao thế hệ người Ý nên đã tạo nên những lối chơi đầy toan tính. Dù vẫn có đó những AS Roma hay AC Milan khiến khán giả say mê bởi triết lý tấn công như đa phần các CLB tại Serie A không theo trường phái đó. Trái lại, Premier League nổi tiếng với lối chơi phóng khoáng, đề cao tư tưởng tấn công, tuy bị chê là đơn điệu nhưng đây là giải đấu mang tính giải trí cao, mang đến nhiều hứng khởi cho khán giả.

Tính truyền thống
Trong ngày mà Totti ghi cả hai bàn giúp AS Roma có điểm trước Lazio ở trận derby vừa qua, có lẽ không ít CĐV nước Anh ngậm ngùi khi nghĩ tới hai tượng đài là Gerrard và Lampard. Trong lúc cầu thủ 38 tuổi của AS Roma vẫn có thể cống hiến cho màu áo mà anh gắn bó trọn đời thì Lampard đã phải rời Chelsea năm nay còn Gerrard cũng sẽ chia tay Liverpool vào cuối mùa giải.
Đó là một ví dụ cho sự khác biệt về truyền thống của 2 giải đấu. Serie A có nhiều cầu thủ gắn bó cả đời với CLB của mình nhưng ở Premier League rất ít trường hợp như vậy. Ở Anh mọi cầu thủ đều phải chấp nhận quy luật đào thải khi lớn tuổi hoặc xuống phong độ.
Xu thế
Hơn hai thập kỷ trước Serie A là thiên đường của bóng đá thế giới khi hầu hết những ngôi sao hàng đầu đều chọn và toả sáng ở đất nước hình chiếc ủng như Platini, Maradona, Zidane, Ronaldo (Brazil), Shevchenko, Kaka… Suốt một thời gian dài, Premier League là nơi sử dụng hàng thải hoặc là bến thứ 2 của các cầu thủ Serie A. Nhưng với tốc độ phát triển ngày càng nhanh của bóng đá Châu Âu theo nền kinh tế, Serie A xuống cấp dần và đánh mất vị trí trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng Châu Âu. Không chỉ Premier League đang là giải đấu hàng đầu Châu Âu bây giờ mà từ đây, hàng loạt ngôi sao hết thời phải tìm sang Serie A để chơi bóng.
Nhìn lại năm qua chúng ta sẽ thấy từ Vidic, Cole hay Evra…đều rời Anh sang Ý. Trong khi Premier League tiêu tốn hàng tấn tiền để mang về nhiều ngôi sao thì Serie A vẫn giữ tiêu chí thắt lưng buộc bụng khi mà nguồn tài chính không cho phép. Nếu như tương lai, Premier League còn hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa như đã từng thu hút được nguồn đầu tư từ Mỹ, Trung Đông hay Nga thì Serie A chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ phục hưng như cách đây hơn 2 thập kỷ.
Cấp đội tuyển
Đây là niềm tự hào của người Ý và sự hổ thẹn của người Anh. Từ 1938 đến nay, dù thời cuộc có nhiều thay đổi nhưng tuyển Ý vẫn có những chức vô địch Châu Âu và thế giới, cho đến bây giờ thành tích của họ không thua gì những Brazil hay Đức. Trong khi đó Anh tự hào là quê hương của bóng đá nhưng chỉ có duy nhất chức vô địch World Cup năm 1966, và chưa một lần lên đỉnh cao của Châu Âu.
Bóng đá vẫn sẽ phát triển cùng tương lai. Do đó người hâm mộ hy vọng rằng Serie A sẽ khôi phục vị thế và đi lên cùng Premier League chứ không phải mãi là hai sự đối lập nhau.