Vừa qua, nhận lời mời của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) Bin Hamman, đoàn cán bộ lãnh đạo LĐBĐVN (VFF) do Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với AFC. Trong dịp này, một vấn đề trọng tâm được đề cập đến là Dự án phát triển bóng đá Việt Nam (chương trình Tầm nhìn Việt Nam) nằm trong khuôn khổ chương trình Tầm nhìn châu Á do AFC khởi xướng. thethaovietnam.com.vn đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch LĐBĐVN xung quanh những mục tiêu đã đạt được trong chuyến làm việc với AFC, cũng như ghi nhận những ý kiến đánh giá từ AFC về bóng đá Việt Nam trong thời gian qua.
- PV: Ông có thể cho biết những đánh giá của AFC về VFF trong chuyến công du vừa qua?
+ Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ: Chuyến đi này là sự khẳng định việc Việt Nam tiếp tục tham gia chương trình tầm nhìn châu Á và cụ thể là chương trình Tầm nhìn Việt Nam trên tinh thần hợp tác hướng tới mục tiêu chung là đẩy mạnh sự phát triển bóng đá của các quốc gia trong châu lục. Chúng tôi đã cùng với Chủ tịch AFC Bin Hamman, Tổng thư ký Velappan, đồng thời là Giám đốc dự án Tầm nhìn châu Á và nhóm chuyên gia của chương trình đánh giá lại 11 điểm đã được khảo sát tại Việt Nam từ năm 2004 và những chuyển biến trong thời gian vừa qua. AFC đánh giá cao một số vấn đề mà VFF đã thực hiện, đặc biệt là sự thay đổi ở một số lĩnh vực. Về mô hình bộ máy của VFF, đã tiếp cận được với mô hình mẫu của FIFA và AFC, cụ thể là hình thành hai cấp quản lý và điều hành. Trong đó, bộ máy điều hành từng bước được chuyên nghiệp hóa với việc hình thành hàng loạt các ban chức năng, cũng như hình thành được những ban mới phù hợp với yêu cầu hoạt động. AFC đánh giá đây là sự thay đổi nhanh theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để chuyên nghiệp hóa một cách toàn diện thì còn phải đòi hỏi có thêm thời gian. Trong thời gian tới, VFF sẽ có thêm một số phòng, ban như tổ chức nhân sự, an ninh… AFC cũng nhấn mạnh đến yếu tố phát huy nội lực của từng nền bóng đá trong việc triển khai chương trình. Việc Việt Nam được chọn tham gia chương trình Tầm nhìn châu Á xuất phát từ sự đánh giá về tiềm năng của bóng đá Việt Nam, trong đó có yếu tố đánh giá cao về sự phát triển kinh tế, xã hội.
- Vậy xin ông cho biết trong thời gian tới, chương trình Tầm nhìn Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai giữa AFC và VFF như thế nào?
+ Trước tiên cần phải xác định rằng, việc tham gia chương trình Tầm nhìn châu Á, mà ở đây là chương trình Tầm nhìn Việt Nam, không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ nhận được đầu tư về kinh phí hay cơ sở vật chất từ AFC. Với những nước tham gia chương trình này, sự ủng hộ của AFC là ở góc độ xây dựng và giúp đỡ triển khai các kế hoach phát triển bóng đá trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ như để phát triển đào tạo HLV, VFF sẽ hình thành kế hoạch, tổ chức các khóa học, AFC sẽ hỗ trợ đưa giảng viên sang đào tạo, kinh phí cho giảng viên do họ chi trả, còn những vấn đề khác sẽ do VFF phải đảm nhận. Chương trình của AFC là một chương trình ưu tiên hỗ trợ về các giải pháp và phương pháp cũng như chuyên gia trong việc phát triển bóng đá chứ không phải là chương trình tài trợ hay đầu tư ở góc độ kinh phí hoặc cơ sở vật chất. Trên cơ sở 11 điểm đã được đánh giá và hướng tới 7 mục tiêu mà VFF và AFC đã thống nhất trong chương trình Tầm nhìn Việt Nam, cần có một lộ trình thực hiện từ nay cho đến năm 2015, trước mắt sẽ là giai đoạn 2005 - 2010. VFF sẽ hình thành một tổ công tác để phối hợp với các chuyên gia của AFC để vạch ra lộ trình thực hiện. Trước mắt, sẽ có một điều phối viên cho dự án để giữ vai trò cầu nối trong quá trình thực hiện dự án. Trong thời gian tới, tổ công tác của chương trình Tầm nhìn châu Á sẽ sang Việt Nam và cùng với tổ công tác của VFF khảo sát, nghiên cứu một số vấn đề phát triển bóng đá tại Nghệ An và Long An.
- Để dự án thực hiện được hiệu quả, theo ông chúng ta cần thêm những điều kiện gì?
+ Chúng tôi đã nêu một số vấn đề đặc thù riêng của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và AFC cũng đã thống nhất việc thực hiện các bước đi, các giải pháp thực hiện sẽ linh hoạt cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, AFC cũng đã nhấn mạnh yêu cầu về việc cần phải hình thành một quỹ mang tên Tầm nhìn Việt Nam nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội vào việc phát triển bóng đá. Một giải pháp khác cũng đang được Ủy ban TDTT, VFF nghiên cứu, xây dựng đề án để báo cáo Chính phủ trong thời gian tới là xổ số bóng đá. Qua khảo sát và nghiên cứu một số mô hình của các nước trong khu vực, xổ số bóng đá là một giải pháp có thể tạo ra nguồn kinh phí hỗ trợ vào việc thúc đẩy phát triển bóng đá. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, Nhà nước sẽ quản lý về xổ số bóng đá và đây là kinh nghiệm thực tiễn từ các nước trong khu vực, chứ không phải là các liên đoàn bóng đá.
- Gần đây, dư luận có đề cập đến khoản hỗ trợ 500.000 USD từ dự án Goal của FIFA cho dự án xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, vậy dự án này đã được VFF triển khai ra sao?
+ Chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban TDTT, UBND thành phố Hà Nội để điều chỉnh lại quy hoạch trong khu Liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình và xúc tiến các công việc có liên quan để sớm hình thành đề án. Trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi cũng đã nhận được sự hẫu thuẫn từ phía Chủ tịch AFC Bin Hamman, đồng thời cũng là một thành viên của dự án Goal. Ngài Chủ tịch đã tuyến bố, bằng ảnh hưởng của mình sẽ có những tác động để giúp VFF có được Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ này.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo thethaovietnam.com.vn