TDTT quần chúng luôn là một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành Thể dục Thể thao. Trong những năm gần đây, TDTT quần chúng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, làm nền tảng cho những thành công vang dội của thể thao thành tích cao. Thể dục Thể thao quần chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức khoẻ và văn hoá tinh thần cho người dân. Để tìm hiểu về những bước phát triển của TDTT quần chúng, phóng viên Trang tin điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Thơ - Vụ trưởng Vụ Thể dục Thể thao Quần chúng Uỷ ban Thể dục Thể thao.
* Được biết TDTT quần chúng đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
TDTT Quần chúng đã có những bước phát triển mới, rất đáng khích lệ thể hiện trên cả ba mặt: Giáo dục Thể chất bắt buộc (Giáo dục thể chất trong trường học và trong lực lượng vũ trang); phong trào tập luyện và thi đấu TDTT trong các đối tượng nhân dân; khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc. Những mặt đó được thể hiện cụ thể trên những chỉ tiêu: Số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên năm 2005 chiếm tới 19,8% dân số, tốc độ tăng trưởng (TĐTT) trung bình 5 năm trở lại đây là 1,56% một năm. 11,28% số gia đình được công nhận là gia đình thể thao với TĐTT trung bình (từ năm 2000 đến nay) là 0,65% một năm. Chiếm tới 93,18% trường học thực hiện giáo dục thể chất có nề nếp với TĐTT trung bình một năm là 6,6% (trong vòng 5 năm trở lại đây). Trong đó, 60,59% trường học có hoạt động ngoại khóa tốt và TĐTT trung bình đạt 9,12% một năm. Số cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 90%, TĐTT trung bình một năm là 1,02% trong vòng 5 năm trở lại đây.
Trong những năm gần đây, TDTT quần chúng đã tích cực hướng về cơ sở, thu hút hàng triệu người dân tham gia tập luyện và thi đấu các môn thể thao, đáp ứng nhu cầu vận động vì sức khoẻ và vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, nội dung và hình thức quản lý TDTT quần chúng cũng đã được đổi mới, mô hình CLB TDTT ở cơ sở được khẳng định nhất là CLB dưỡng sinh của người cao tuổi và CLB TDTT tự chọn trong trường học.
* Trong các hoạt động của Vụ TDTT Quần chúng năm 2005, theo ông, hoạt động nào được đánh giá là thành công nhất?
Theo tôi, trong các hoạt động của Vụ TDTT Quần chúng năm 2005 có nhiều hoạt động đã được tiến hành triển khai sâu, rộng trong cả nước, trên mọi đối tượng và địa bàn. Những hoạt động thành công nhất của Vụ có thể kể đến như sau: Thứ nhất là công tác triển khai Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển TDTT ở xã, phường thị trấn đến năm 2010. Đây có thể coi là sự kiện, bước ngoặt của TDTT quần chúng mà Chính phủ trực tiếp chỉ đạo theo quan điểm của Đảng về phát triển TDTT cơ sở.
Thứ hai, đó là công tác tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) được tổ chức theo chu kỳ 4 năm một lần đã thực sự trở thành ngày hội của các tầng lớp nhân dân của mỗi xã, phường, thị trấn, trong mỗi cơ quan, đơn vị. Điều đó đã góp phần tích cực trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ ba là việc tổ chức tốt Hội thi thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tại Tuyên Quang và Đắc Lắc. Hội thi này đã thành nề nếp (2 năm một lần bắt đầu từ 1999) và ngày càng có nhiều số đồng bào thiểu số, dân tộc miền núi tham gia, số môn thi đấu cũng ngày nhiều hơn. Điều đó đã chứng tỏ nhu cầu tập luyện và thi đấu của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng cao.
* Và hoạt động nào vẫn còn hạn chế, thưa ông?
Trong những công việc mà Vụ TDTT Quần chúng đã đạt được trong năm vừa qua, chúng tôi cho rằng, vẫn còn một số hạn chế nhất định cần được khắc phục đó là: Phong trào tập luyện chưa đều nhất là ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, những con số thống kê chưa có được hệ thống lượng hoá chính xác. Những con số hiện nay chỉ thể hiện bề rộng của phong trào tập luyện và thi đấu TDTT quần chúng. Chúng tôi sẽ cố gắng để xây dựng được những chỉ tiêu thể hiện chất lượng của phong trào. Đó là những chỉ tiêu thể hiện tiêu chuẩn thể chất người Việt Nam của các đối tượng từ 6 đến 60 tuổi trên cả nước.
Xin cảm ơn ông!