Gắn bó với nhau từ tình đồng đội, là người cùng hoàn cảnh, Thanh Sao và Kim Xuyến đã đến với nhau, chia sẻ với nhau, và hạnh phúc tình yêu đã đến với đôi bạn trẻ đó như một lẽ thường tình, chỉ có điều hai trái tim của hai cơ thể không lành lặn đã cùng chung nhịp đập, muốn cùng nhau vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xây dựng hạnh phúc riêng tư.
Kim Xuyến là người con gái Hà Nội, ngay từ khi mới có 8 tháng tuổi, cô đã bị cướp đi đôi mắt sau một cơn sốt nặng. Vượt qua nỗi mất mát, Kim Xuyến đã trở thành một trong những vận động viên tiêu biểu của thể thao khuyết tật Việt Nam ở các cự ly chạy 200m, 400m và 800m.
Thành tích xếp vị trí thứ 2 của đoàn VĐV khuyết tật Việt Nam tại ASEAN Para Games 2 có sự đóng góp không nhỏ của đôi bạn Sao- Xuyến. Thi đấu ở nội dung chạy 400m, 800m Kim Xuyến giành luôn 2 HCV và có thêm 1 HCB chạy cự ly 200m. Còn Sao do lần đầu tham gia thi đấu tuyển quốc gia, tập luyện ít nên chỉ dừng ở thành tích 1 HCB nhảy cao với thành tích 1m40, trong khi đó VĐV đoạt HCV của Myanmar là 1m56. Mặc dù tại giải tiền ASEAN Para Games trước đó, Thanh Sao đoạt 1 HCV nhảy cao – 1m35, 1 HCB nhảy xa- 2m30.
Đúng như lời hẹn ước, sau khi kết thúc ASEAN Para Games 2, được sự chấp thuận của bố mẹ hai bên gia đình, tháng 2/2004 Thanh Sao và Kim Xuyến đã tổ chức hôn lễ. Do bận việc sinh con phải nghỉ thi đấu nên tại ASEAN Para Games 3 (diễn ra tại Philippines vào cuối năm nay) chỉ còn mình Sao tham dự trong đội tuyển quốc gia. Thu nhập của cả hai vợ chồng hiện nay cũng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện cho cuộc sống gia đình. Chính vì vậy hễ cứ có thời gian rảnh tập ở đội tuyển là chàng trai Hà Tĩnh lại đến ngay cơ sở may Việt Tiến chuyên dành cho người khuyết tật xin việc làm để có thêm thu nhập đỡ đần vợ con.
Khó khăn là vậy nhưng cặp vợ chồng trẻ này vẫn tự tin, vững vàng vươn lên trong cuộc sống bằng chính sức mạnh nghị lực phi thường của mình với phương châm “tàn mà không phế”. Do nhà ở xa, tận khu tập thể thương mại 1 Vĩnh Tuy nên phải đi xe mất 1 giờ đồng hồ Sao mới đến được Trung tâm. Lịch tập luyện của em diễn ra đều đặn, từ 5h30 phút đến 7h30 phút là tự tập luyện về chuyên môn ở ngoài sân vận động Hà Nội. Sau đó, quay về tiếp tục tập thể lực ở Trung tâm Khúc Hạo. Càng vất vả, Sao càng cố gắng tập luyện để không phụ lòng mong đợi của các thầy, các cô tại Trung tâm. Có lẽ vì thế, thành tích thi đấu của em cũng không ngừng được nâng lên. Khi tiếp tôi ngay tại Trung tâm, HLV Ngô Anh Tuấn đã không ngần ngại khoe thành tích của cậu học trò cưng: Năm ngoái tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức ở TP Hồ Chí Minh Sao được 1 HCV nhảy cao với thành tích 1m45; 1 HCB nhảy xa ở mức 3m20. Nhưng đầu năm 2005, khi thi đấu tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc Sao đã đoạt được 1 HCV nhảy cao với mức xà 1m57- phá kỷ lục của Para Games 2, 1 HCV nhảy xa thành tích 3m58, ngoài ra có thêm 1 HCB môn đẩy tạ.
Thời gian này chính là thời điểm tập luyện cực kỳ căng thẳng bởi Sao là thành viên đội tuyển quốc gia chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á tổ chức ở Philippines diễn ra từ 14 đến 21/12.
Cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng VĐV thể thao khuyết tật này vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với niềm tin yêu cuộc sống, biết vượt khó vươn lên, cộng với tình yêu hạnh phúc đem lại vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Nhất là từ khi họ sinh con, cậu con trai là món quà vô giá mà cuộc đời đã ban tặng cho họ, giúp họ càng thêm vững tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Chia tay đôi vợ chồng trẻ ấy tôi cũng thầm chúc cho họ mãi mãi hạnh phúc, có sức khoẻ để cống hiến cho TTVN, để chăm sóc con cái và chăm sóc chính bản thân mình. Và tôi nhớ mãi câu trả lời của Sao khi tôi hỏi đùa: Có khi nào Sao nghĩ mình không có đủ 2 chân thì phải lấy một người lành lặn đỡ đần cho cuộc sống đỡ vất vả không? Sao đã không đắn đo mà trả lời luôn: Cũng có chị ạ nhưng gặp Xuyến ở Trung tâm, chúng em đã mến nhau, yêu và nên nghĩa vợ chồng. Những người cùng cảnh ngộ như chúng em lấy nhau thì cuộc sống dễ chia sẻ và thông cảm cho nhau nhiều hơn.
V.A