Được một người bạn giới thiệu vào Trung tâm thể thao khuyết tật Khúc Hạo của Hà Nội, mục đích của tôi lúc đầu là xin tập luyện một môn thể thao phù hợp với thương tật mất chân phải để tăng cường sức khoẻ, ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống .” Đó là lời tâm sự của VĐV nhảy cao Nguyễn Thanh Sao – huy chương bạc Para Games 2, HCV Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc (phá kỷ lục Para Games 2). Được sự dìu dắt của HLV Ngô Anh Tuấn, VĐV Nguyễn Thanh Sao đã vượt qua những mất mát để khẳng định mình trên đấu trường Châu lục.
Trung tâm thể thao người khuyết tật Khúc Hạo không những là cái nôi nuôi dưỡng và đào tạo VĐV Nguyễn Thanh Sao mà còn là nơi VĐV khuyết tật này tìm được người bạn đời của mình – VĐV khiếm thị hạng T11 Nguyễn Thị Kim Xuyến. Cả hai VĐV đã vượt qua những khó khăn trong đời thường để xây dựng một tổ ấm cho mình. Và hạnh phúc không chỉ ban tặng họ những tấm HCV trong các giải thể thao dành cho người khuyết tật mà trong ngôi nhà hạnh phúc của họ giờ đây còn đầy ắp tiếng cười của cậu con trai đã hơn một tuổi.
Từ nỗi đau định mệnh..
Nguyễn Thanh Sao(sinh năm 1981) người con của quê hương Hà Tĩnh. 16, 17 tuổi cũng như bao trai tráng trong vùng, Sao đi đóng gạch thuê, kiếm tiềm giúp đỡ cho bố mẹ. Chẳng may, do một sơ suất nhỏ, khi bỏ đất vào máy, dùng tay chân dậm đất xuống, chiếc máy đóng gạch đã cuốn theo cả chân bên phải của Sao vào guồng quay của máy. Tuy đã được tập thể bác sĩ cố gắng điều trị bằng những phương án tối ưu nhất nhưng do vết thương bị nhiễm trùng nặng, Sao đành phải cưa đoạn ống chân phải.
Hai tháng trời ròng rã nằm viện điều trị, 3 lần phẫu thuật đã vô tình cướp đi chiếc chân lành lặn. Mặc cảm, tự ti, chán chường, tinh thần suy sụp, Sao gần như sống xa lánh với mọi người bởi cậu nghĩ mình đã trở thành kẻ tàn tật vĩnh viễn suốt quãng đời còn lại. Nhưng được sự động viên của gia đình, những người thân và bạn bè cùng nghị lực của bản thân, Sao đã dần vượt lên nỗi mất mát trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Năm 2002, Sao quyết tâm rời quê ra Hà Nội kiếm việc làm, lương thu nhập không nhiều nhưng ổn định (bình quân được 500-600.000đồng/tháng), lại không phải ăn bám bố mẹ già, người thanh niên đó đã dần lấy lại được sự tự tin trong cuộc sống. Thấy Sao khoẻ mạnh, chỉ bị khuyết chân phải, mùa hè năm 2003, một người bạn đã giới thiệu cậu đến tập tại Trung tâm thể thao của người khuyết tật Khúc Hạo Hà Nội. Được sự quan tâm chăm sóc tận tình của các cô chú, các HLV, đặc biệt nhất là người thầy Ngô Anh Tuấn đã trực tiếp hướng dẫn tập luyện từng động tác kỹ thuật, Sao đã chính thức trở thành VĐV khuyết tật trong đội tuyển quốc gia, được thi đấu ở đại hội thể thao người khuyết tật khu vực Đông Nam Á lần thứ 2 do Việt Nam làm nước chủ nhà.
V.A