Thể dục nghệ thuật là môn thể thao đòi hỏi VĐV rất cao để hoàn thiện kỹ thuật cá nhân (sức bền, dẻo, khả năng phối hợp động tác), tính nghệ thuật cao, ngoài ra còn phải đảm bảo độ thẩm âm tốt để thực hiện những động tác vũ đạo ( balê) phức tạp. Để đạt thành tích cao, VĐV không những đáp ứng đầy đủ đòi hỏi khắt khe đó một cách điêu luyện mà còn phải khổ luyện thường xuyên trong thời gian dài (ít nhất là 9 năm) từ khi còn rất nhỏ (lúc 5 tuổi, do đặc điểm sinh lý chỉ ở lứa tuổi này mới có thể tập luyện đạt thành tích cao).
Ngay từ khâu tuyển chọn VĐV đã phải tuân thủ theo những yêu cầu cao đảm bảo: hình dáng phù hợp, tố chất thể thao (dẻo, khéo, nhanh, mạnh và khả năng phối hợp động tác), khả năng tiếp thu về âm nhạc và sức biểu cảm nghệ thuật. Tất cả những yếu tố đó đều phải tập trung trong một em nhỏ ( 5 tuổi) và sẽ kéo dài thời gian tập luyện thường xuyên trong suốt thời gian dài. Mặt khác, xu hướng của các em học sinh nhỏ tuổi ở nước ta là học tập cả ngày trong trường học. Như vậy, không có thời gian để các em tham gia tập luyện môn thể thao này ngay từ nhỏ. Điều đó có thể lý giải một phần vì sao ít VĐV theo tập môn thể thao này.
Có thể nói chính những yêu cầu cao đó mà các địa phương ít quan tâm đầu tư cho môn thể thao này. Để đạt được huy chương các địa phương phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức nên khó thu hút được sự quan tâm phát triển thể dục nghệ thuật tại các địa phương.
Thực tế, thể dục nghệ thuật những năm trước được phát triển tại hai thành phố: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Kim Lan, trưởng Bộ môn Thể dục Uỷ ban TDTT cho biết: "5 năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh đã bỏ môn thể thao này ra khỏi hệ thống thi đấu Hội khoẻ Phù Đổng nên thiếu sự quan tâm đầu tư tích cực của các địa phương dẫn đến phong trào tập luyện bị giảm sút. Chỉ còn các VĐV được tập trung đào tạo theo kiểu "gà nòi" ở CLB Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh. Đó là một trong những lý do vì sao TP Hồ Chí Minh đã rút khỏi danh sách đăng ký thi đấu trong phút chót và VĐV tham gia lần này đều của Hà Nội"
Tuy số lượng VĐV tham gia ít nhưng VĐV năm nay (ngoài Thu Hà VĐV tham dự SEA Games 22) cũng có kỹ thuật thực hiện tốt những động tác thân thể nhưng vì các em còn rất nhỏ nên khả năng sử dụng dụng cụ chưa nhuần nhuyễn. Tuy nhiên so với lứa tuổi và thời gian tập luyện các em đã thể hiện sự cố gắng khổ luyện và ngày càng chững chạc hơn.
Khi hỏi về mục tiêu và cơ hội của Thể dục nghệ thuật tại SEA Games 23, Bà Nguyễn Thị Kim Lan đánh giá: "Hy vọng huy chương của Thể dục nghệ thuật là không cao, SEA Games 22 Việt Nam giành được HCĐ nhưng năm nay lực lượng nòng cốt đó đã nghỉ thi đấu (Thu, Ly, Tú), chỉ còn Thu Hà. Các em mới theo tập cũng còn non chưa đủ cơ hội để giành huy chương tại SEA Games. Hiện tại, môn này không có chuyên gia huấn luyện. Vì vậy Bộ môn xác định đây là cơ hội cọ sát, học hỏi của các VĐV nhỏ tuổi và hy vọng vào các kỳ Đại hội sau". Vì môn thể thao này tập luyện rất vất vả nên phụ huynh đã định hướng cho con mình theo hướng khác, đó cũng là điều dễ hiểu của các bậc phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan cho biết thêm: "Ngay cả chuyên gia của môn này cũng đỏi hỏi cao, để đào tạo một VĐV cũng phải có hai chuyên gia về kỹ thuật và chuyên gia về vũ đạo (balê). Đào tạo được VĐV đỉnh cao của môn này khó lắm, đầu tư rất nhiều thời gian công sức và kinh phí."
Trước thực trạng như vậy, Bộ môn đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa môn thể thao này vào hệ thống trường học nhưng còn gặp một số khó khăn nên chưa thực hiện được trong thực tế. Để mở rộng và phát triển phong trào môn thể dục nghệ thuật, việc đưa môn thể thao này vào hệ thống thi đấu là rất cần thiết. Những địa phương không có điều kiện đào tạo có thể tuyển chọn và gửi VĐV của mình đào tạo ở các thành phố lớn có chuyên gia hướng dẫn. Đó là một hướng đi có triển vọng cũng như một số môn chúng ta đã làm (nhảy cầu...)
Thể dục nghệ thuật là môn thể thao mũi nhọn và nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic. Việt Nam (được đánh giá là có tiềm năng) sẽ tiếp tục nỗ lực đưa môn thể thao này phát triển hơn nữa phù hợp với xu thế của Thể thao thế giới. Để phát triển thể dục nghệ thuật rất cần sự phối hợp đầu tư của ngành TDTT, ngành Giáo dục - Đào tạo, các tỉnh, thành, địa phương cùng quan tâm một cách đồng bộ, sâu sắc.
HX