Vượt lên khó khăn của thời kinh tế mở cửa, Hà Nội ngày càng thay da đổi thịt. Trong sự phát triển mạnh như vũ bão, thể thao Thủ đô đã góp phần không nhỏ vào bảng thành tích chung của toàn thành phố. Nói đến thể thao Hà Nội, người ta thường nhắc tới lĩnh vực thể thao thành tích cao với những thành tích vang dội tại đấu trường khu vực và Châu lục.
Những cái tên như Thanh Xuân, Ngọc Oanh, Mỹ Đức, Ngân Thương..., đã trở nên quá quen thuộc với NHM thể thao cả nước nói chung cũng như niềm tự hào của thể thao Hà Nội nói riêng. Họ là một trong những đại diện cho thế hệ trẻ Hà Thành có nhiều đóng góp cho thể thao Thủ đô trong thời kỳ mới.
Thành tích mà các VĐV Hà Nội đạt được tại các giải đấu vẫn luôn dẫn đầu toàn quốc trong nhiều năm, đặc biệt năm 2006 tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, Hà Nội đã giữ vững vị trí số 1 toàn đoàn trên tổng số 67 tỉnh, thành, ngành tham dự (với tổng số 341 huy chương, trong đó có 148 HCV, 112 HCB và 81 HCĐ). Tham dự ASIAD 15 tại Qatar, thể thao Hà Nội có 79 VĐV, 3 cán bộ, 18 HLV, trọng tài (chiếm 28,1% tổng số cán bộ, HLV, VĐV, trọng tài của đoàn thể thao Việt Nam) và cũng đã đem lại vinh quang cho Tổ quốc ở nhiều môn, điển hình là môn Cầu mây với 2 HCV.
Năm 2007, thể thao Thủ đô tập trung vào 2 sự kiện thể thao lớn là SEA Games 24 được tổ chức tại Thái Lan và ASIAN Indoor Games II tại Ma Cao (Trung Quốc). Nói đến mục tiêu của 2 kỳ Đại Hội này tại phiên họp với lãnh đạo Uỷ ban TDTT (ngày 13/3/2007), ông Nguyễn Đình Lân - Giám đốc Sở TDTT Hà Nội đã nhấn mạnh: "thể thao Hà Nội phấn đấu có thành tích tại ASIAN Indoor Games II và đóng góp tối thiểu 30% thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 24, để giữ vững vị trí là 1 trong 3 nước dẫn đầu khu vực ĐNA".
Nhằm thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, Hà Nội đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo VĐV; Các CLB năng khiếu thường xuyên được duy trì và phát triển, số lượng tuyển sinh các môn thể thao mới luôn tăng. Đơn cử như CLB Wushu của chị em Mỹ Đức (tại Gia Lâm) đã thu hút hàng trăm các em học sinh theo học. Được thành lập theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở TDTT Hà Nội, CLB Wushu Mỹ Đức còn đang đào tạo một số VĐV trẻ có nhiều triển vọng, có thể giành thành tích tốt tại Hội khoẻ Phù Ðổng toàn quốc năm 2008.
Nhiều lượt VĐV ở những môn: Bóng đá, Thể dục dụng cụ, Điền kinh, Vật, Bơi , Lặn, Teakwondo, Nhảy cầu, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng bàn... đã được đưa đi tập huấn ngay từ những ngày đầu năm. Bên cạnh đó, ngành TDTT Hà Nội còn tách những VÐV ưu tú ở một số môn để có hướng đầu tư chuyên biệt nhằm hướng tới việc giành huy chương tại Châu lục và thế giới. Điển hình là số VĐV ở các môn: Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Wushu... đã được thành phố đưa vào chương trình tập dài hạn ở nước ngoài.
Ngoài việc cử VĐV đi tập huấn, thành phố đã chủ động mời chuyên gia các nước có nền TDTT phát triển như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ucraina... sang tập huấn cho các VĐV trong nước, đồng thời áp dụng các thành tựu khoa học tiến tiến vào công tác huấn luyện nhằm nâng cao thành tích thi đấu cho các VĐV.
Có thể nói nhiều năm trở lại đây, Hà Nội luôn là cái nôi đào tạo VĐV đỉnh cao cũng như đem về nhiều tấm huy chương quý giá cho thể thao nước nhà tại các kỳ Đại hội. Cách đầu tư của Hà Nội không phải địa phương nào cũng làm được bởi nó còn liên quan tới nhiều vấn đề trong đó điển hình là vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã mạnh dạn áp dụng cách làm của Hà Nội, vận dụng một cách sáng tạo vào tình hình thực tiễn của đơn vị và thu được những kết quả tích cực. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp tốt với Uỷ ban TDTT về các lĩnh vực thuộc hoạt động TDTT, đặc biệt trong công tác chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà thi đấu Điền kinh phục vụ ASIAN Indoor Games III (sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2009).
Xuân Nhi