Thể thao Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả và NHM trên cả nước. Hiện nay, có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau về kết quả cũng như những tồn tại cần khắc phục trong công tác xây dựng và phát triển sự nghiệp TDTT nước nhà, đặc biệt là Thể thao thành tích cao. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết của độc giả Thanh Tùng, hiện đang công tác tại Sở TDTT Bến Tre...
Trong những ngày qua, khá nhiều những luồng dư luận vui buồn đối với các sự kiện thể thao trọng đại của đất nước vào thời điểm chuẩn bị bước qua năm mới 2007. Thành tích khiêm tốn so với tuyên bố hùng hồn trước ngày lên đường dự Đại hội Thể thao Châu Á – ASIAD 15 tại Doha (Qatar) của Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh khiến NHM thể thao nước nhà chưa thể nuốt hết vị chát đắng thì vị trí thứ nhất toàn đoàn của Việt Nam tại Đại hội TDTT Sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13 vừa kết thúc ở Hà Nội cũng không phải hoàn toàn đem lại cho họ hương vị mật ngọt như một sự bù đắp.
Có thể tất cả chỉ xuất phát từ cách hiểu và cách làm bấy lâu nay của TTVN mà ít người dám nghĩ và tìm hướng điều chỉnh, nếu không muốn dùng cụm từ “thôi đành nhắm mắt làm ngơ” trước các sự vật hiện tượng có vẻ bình thường ở xung quanh.
Công bằng mà xét, tuy có thể được xem là thất bại so với dự kiến ban đầu nhưng trong bối cảnh Thể thao Trung Quốc đang tiệm cận giai đoạn “cực thịnh”, lấy ASIAD 15 làm cuộc tổng diễn tập đánh giá lực lượng của mình trước thềm Olympic Bắc Kinh 2008 trên sân nhà, thì không chỉ VN mà các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở Châu Á dù có sự tăng tiến nhảy vọt về thành tích thể thao, vẫn phải chịu một cơn “bão lớn” quét qua nhằm thu tóm lượng lớn huy chương, đặc biệt là HCV về cho cường quốc thể thao xếp nhất, nhì thế giới này. Do vậy, không có gì phải đáng buồn bởi NHM sẽ có sự đồng cảm và họ hy vọng qua ASIAD 15, TTVN sẽ rà soát lại chiến lược phát triển nhằm hoàn thiện mình hơn nữa trước các sân chơi lớn vượt tầm cỡ khu vực ĐNA trong tương lai. Còn đối với thành tích của đoàn Thể thao Sinh viên Việt Nam tại Đại hội vừa qua? Sự kiện này có những hiệu ứng khác nhau trong dư luận xã hội mấy ngày qua, nhưng cũng không thể nói thành tích xếp nhất toàn đoàn của Việt Nam tại Đại hội này không được các đoàn bạn khâm phục và đồng tình. Duy chỉ có điều, cách làm từ cách hiểu của ta về đối tượng tham dự so với các quốc gia khác có thể chưa đi đến sự đồng nhất về mặt khái niệm. Đó là do xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ của nền thể thao trong từng quốc gia thành viên có chế độ chính trị - xã hội chưa thể đồng nhất như một số thể chế khác đã được cả khối ASEAN thống nhất thực hiện. Chỉ một ví dụ nhỏ: nếu các quốc gia khác đã đi rất xa về xã hội hóa công tác TDTT quần chúng, nghĩa là tận dụng, huy động nhiều nguồn lực trong dân để phục vụ trở lại cho chính nhu cầu tập luyện TDTT của người dân, còn Nhà nước chỉ có cơ chế - chính sách tập trung đầu tư cho thể thao chuyên nghiệp phát triển thì gần như ngược lại, TTVN hiện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “bao cấp” trong việc đẩy mạnh sự nghiệp TDTT nước nhà, phải dùng phần lớn kinh phí từ ngân sách Nhà nước “nuôi” từ thể dục thể thao quần chúng cho đến xây dựng lực lượng VĐV các tuyến, CSVC kỹ thuật TDTT vv... Dù bước đầu đã khuyến khích một vài môn như bóng đá, bóng chuyền... bước vào con đường tự chủ, chuyên nghiệp hóa và đã gặt hái được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, trước khi ra “biển lớn” theo quy luật tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa để cùng phát triển, tương tự các lĩnh vực khác, TTVN cũng sẽ phải chuyển mình để không chậm nhịp bước và đặc biệt, không mãi ở thế dị biệt về các vấn đề phải có sự thống nhất. Đó là gì nếu tất cả không phấn đấu để tìm các giá trị thật nhằm tạo nên những kết quả và sự tăng trưởng một cách bền vững, đúng định hướng dù trong điều kiện đất nước hội nhập rộng hơn, sâu hơn vào cộng đồng quốc tế? Đó là gì nếu TTVN không đề ra được các giải pháp mạnh mẽ, tích cực, kiên quyết hơn nữa để đẩy lùi và tiến tới xóa hẳn tình trạng cứ mãi chạy theo thành tích như căn bệnh trầm kha đã trở thành ý thức khó gột rửa ở một bộ phận trong cộng đồng xã hội: chẳng hạn trong công tác thi đua của toàn ngành hằng năm, không ít các đơn vị, địa phương ở các cấp vẫn cố tình báo cáo số liệu ảo (tiêu chí TDTT quần chúng; cơ sở vật chất TDTT; thiết chế TDTT cơ sở vv…) để cố giành một danh hiệu nào đó; tổ chức “đại trà” các lớp Trung học, Đại học TDTT tại chức ở địa phương nhưng buông lỏng quản lý công tác giảng dạy; chất lượng đào tạo kém, dạy và học chiếu lệ; những sản phẩm ở đầu ra không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu so với học vị; thi đấu thể thao vẫn còn đó những tiêu cực (kín đáo, tinh vi hơn), nạn móc ngoặc, dàn xếp làm sai lệch kết quả, mua bán độ, thiếu trung thực; các “nhi đồng cụ” được đưa vào sân chơi của lứa tuổi nhỏ hơn; các Thanh thiếu niên được đẩy vào thi đấu giải Trung, Cao tuổi; nâng điểm học lực và hạnh kiểm để học sinh Năng khiếu TDTT đủ tư cách dự HKPĐ; Hội thao SVHS, lực lượng vũ trang, ngành, đoàn thể vv… thì tranh thủ “nhét” VĐV chuyên nghiệp vào làm “hàng kèm” vv…
Chưa thành công như mong đợi ở ASIAD 15 của Đoàn TTVN đã được dư luận xã hội chia sẻ và cảm thông, bởi đa số HLV, VĐV Việt Nam đã cố gắng hết sức. Vô địch toàn đoàn tại Đại hội TDTT Sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13 trên sân nhà rất đáng được trân trọng, bởi cho đến nay Hội đồng Thể thao Sinh viên Đông Nam Á và Điều lệ Đại hội vẫn chưa cấm các sinh viên là VĐV đội tuyển của các quốc gia trong khu vực tham dự (khái niệm VĐV chuyên nghiệp giữa Việt Nam và các nước chưa thống nhất do bản chất mỗi nền TDTT không giống nhau). Vấn đề hiện nay nên chăng là mọi phía có trách nhiệm cần sự tỉnh táo để mạnh dạn chỉ ra những khiếm khuyết trong toàn bộ cơ cấu tổ chức, điều hành hệ thống các sân chơi của TTVN để trả về đúng cho “chủ nhân” của nó, đồng thời nắm bắt các thời cơ, thách thức kể cả các vận hội mới trong xu thế hội nhập, chủ động đề ra các giải pháp tích cực, thực hiện tốt các định hướng chiến lược giúp TTVN đủ tự tin, bản lĩnh và năng động trước khi bước vào “trận địa” toàn cầu hóa, hội nhập đầy đủ như tất cả các lĩnh vực khác của đất nước.
Thanh Tùng (Sở TDTT Bến Tre)