SEA Games 23 đã khép lại với nhiều thành công xuất sắc, với những bất ngờ nhưng cũng nhiều điều đáng tiếc. Trong số 33 môn thi đấu của đoàn Thể thao Việt Nam đã có rất nhiều môn thi đấu thành công, đặc biệt ở các môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic (Điền kinh, Thể dục và Bơi lội).
Trong những ngày thi đấu đầu tiên của SEA Games 23, Điền kinh đã liên tục mang về những tin vui cho đoàn Thể thao Việt Nam. Kết thúc SEA Games, Điền kinh đã giành được 8 HCV trong đó thành tích của Đỗ Thị Bông (800m) phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại 20 năm, Trương Thanh Hằng (1.500m) phá kỷ lục SEA Games.
Là một trong ba môn bắt buộc của hệ thống các môn thể thao Olympic, Thể dục Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, thuyết phục các trọng tài, chuyên gia, HLV nước bạn cùng đông đảo người hâm mộ bằng chính khả năng của mình. Trong số 5 HCV đạt được, Ngân Thương đã xuất sắc giành HCV ở nội dung toàn năng. Đây là nội dung rất khó vì nó đòi hỏi VĐV phải đạt đến đỉnh cao ở 4 nội dung (cầu thăng bằng, xà lệch, nhảy ngựa và thể dục tự do). Để đạt được đỉnh cao của môn thể thao này, VĐV đã phải rất vất vả khổ luyện trong cả quá trình dài.
Thành công của Bơi lội phải nói đến HCV 100m ếch của Nguyễn Hữu Việt. Đây là cự ly mà trong lịch sử Bơi lội Việt Nam chưa bao giờ đạt được thành tích cao tại các giải đấu trong khu vực và quốc tế. Đó là khởi đầu tốt đẹp cho Bơi lội Việt Nam. Tuy nhiên chính Nguyễn Hữu Việt lại bị loại ngay vòng đầu ở nội dung 200m với thành tích xếp hạng 9/10. Phải chăng trình độ của Việt vẫn còn chưa ổn định. Để có được thành tích ổn định, không chỉ riêng Bơi lội và cũng không chỉ riêng ở nội dung này, tất cả các môn thể thao khác cũng đều cần thiết phải đầu tư lâu dài theo một hệ thống, đảm bảo khoa học.
Xác định được định hướng đúng đắn, Uỷ ban TDTT đã đầu tư cho các đội tuyển đi tập huấn tại nước ngoài. Hầu hết các môn thể thao Việt Nam đều đi tập huấn ở Trung Quốc (một cường quốc có nền thể thao phát triển mạnh). Trong số các môn thể thao đó, 3 môn trên đều được tập huấn dài ngày ở Trung Quốc và khi về Việt Nam, họ được tập trung ngay tại các Trung tâm huấn luyện quốc gia, đảm bảo quá trình tập luyện. Ngẫm lại, để có được những HCV thật không đơn giản, từ khâu tuyển chọn VĐV (tố chất thể lực, hình thái... và phải được sự đồng ý của phụ huynh) đến đào tạo những tài năng đó qua cả quá trình (luyện tập từ khi 5 tuổi trong cả quá trình từ 7 đến 9 năm) những buổi tập vất vả, những chuyến đi xa nhà, những đợt thi đấu với cả thành công, thật bại, niềm vui và nước mắt. Những HCV mà họ giành được là một sự đền đáp xứng đáng cho những công sức của các VĐV, HLV, người quản lý TDTT và lãnh đạo TDTT.
Có thể nói con đường tiến tới các Đại hội Olympic của Thể thao Việt Nam là con đường đầu tư lâu dài trong sự phối hợp của các Ban, ngành với những định hướng đúng đắn, những kế hoạch, những chế độ chính sách phù hợp của ngành TDTT. Với những thành tích đạt được, nền Thể thao Việt Nam đang thể hiện hướng đi đúng đắn của mình và sẽ không còn thời kỳ "đi tắt đón đầu" như ngày nào Thể thao Việt Nam đã thực hiện.
Mục tiêu của Phong trào Olympic: "đóng góp vào việc xây dựng một thế giới hoà bình và tốt đẹp hơn thông qua việc giáo dục tuổi trẻ bằng thể thao không phân biệt giai cấp, giàu nghèo trong tinh thần hữu nghị, đoàn kết và fair play". Đó cũng là điều Việt Nam cũng như toàn nhân loại đều hướng đến.
HX