Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP HCM, cho biết: Hạt ươi hay còn gọi là lười ươi, đười ươi, bàng đại hải, đại hải tử, đại đồng quả, đại phát... Hạt ươi có tên khoa học Sterculia lychnophara Hance, thuộc họ Trôm Sterculiaceace.
Hạt ươi có hình trứng dài, thường thu hoạch vào mùa hè. Có lớp vỏ màu nâu nhạt, da nhăn nheo, hạt nhỏ nhưng khi ngâm với nước ấm thì nở gấp nhiều lần hạt ban đầu, có màu vàng nâu trong, sền sệt, thường ăn kèm đường.
Phần thịt hạt ươi có khoảng 1% chất béo, 59% bassorin, chất nhầy và tanin. Phần đường trong hạt chủ yếu là galactoza, pentoza và arabinoza.
Bác sĩ Vũ cho biết, theo y học cổ truyền, công dụng chủ yếu của ươi là mát, nhuận, tốt cho người đau cổ họng, ho khan... Mỗi lần sử dụng chỉ cần cho 4-5 hạt vào một lít nước là có hỗn hợp nước gần giống thạch, thêm đường vào để uống. Hạt ươi không chỉ giúp giải nhiệt mà còn tốt cho người ho khan không đờm, cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu.
Theo bác sĩ Vũ, mỗi ngày có thể dùng 2-10 hạt. Ngắt hai đầu hạt cho vào ly với 500 ml nước ấm khoảng 45-50 độ. Sau 15-30 phút, hạt sẽ bung nở lớn. Bóc bỏ vỏ, lấy thịt, bỏ hạt pha với chút đường uống thay nước. Nên dùng đều đặn trong 10-30 ngày, nếu tiến triển tốt có thể dùng thêm liệu trình 30 ngày nữa.
"Loại nước uống từ quả đười ươi thanh nhiệt có thể dùng cho người thức khuya làm ca đêm, lao động trí óc nhiều, nhiệt miệng, táo bón, mọc nhiều mụn hay người bệnh trĩ. Ngoài ra, quả ươi còn có tác dụng hỗ trợ cho người viêm đường tiết niệu, tiểu gắt không thông, siêu âm có sỏi thận...", bác sĩ Vũ nói.
Có thể tìm thấy hạt ươi ở những nhà thuốc Đông y. Bác sĩ Vũ chia sẻ bí quyết chọn hạt ươi ngon: "Nên chọn quả mình căng nẩy, vỏ màu nâu vàng. Quả có vỏ màu đen thường là quả non được xông hoặc phơi cho khô sẽ không nở nhiều khi ngâm nước".
Hạt ươi khô khi chưa cho vào nước. Ảnh: Lê Cầm
Lê Cầm