Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tháng 8/2021 Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine công nghệ mARN với 2 loại vaccine là Moderna và Pfizer, trong đó với gần 190.000 liều vaccine Moderna đã được tiêm cho người dân Thủ đô.
Cơ quan này cũng cho biết, trong quá trình triển khai tiêm vaccine COVID-19 sử dụng vaccine công nghệ mARN của Moderna tại Hà Nội đã ghi nhận một số trường hợp có phản ứng sưng, đau tại chỗ tiêm. Phản ứng này xuất hiện sau vài ngày đến 1 tuần hoặc lâu hơn - thường ghi nhận sau khoảng 5-7 ngày sau tiêm.
Các triệu chứng tại chỗ này bao gồm: Ngứa tại vị trí tiêm; Vị trí tiêm đỏ/hoặc đổi màu vùng da quanh chỗ tiêm với các kích thước khác nhau; Sưng tấy; Đau; Da vùng tiêm cảm thấy nóng ấm khi chạm vào; Xuất hiện các cục u cứng dưới da tại vị trí tiêm...
Hình ảnh điển hình của triệu chứng "cánh tay COVID" sau tiêm vaccine Moderna
Tại sao lại xuất hiện phản ứng này?
Theo CDC Hà Nội, đây được cho là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, thể hiện rằng các tế bào miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với các tế bào cơ - nơi đã hấp thụ vaccine mARN.
Vaccine COVID-19 mARN giúp cơ thể tạo ra proteinS của virus SARS-CoV-2 và trong một số trường hợp lại khiến hệ thống miễn dịch xác định đó là một phản ứng viêm tại chỗ dẫn đến phản ứng miễn dịch quá mức, gây nên các dấu hiệu trên.
Hiện tại, vaccine COVID-19 sản xuất theo công nghệ mARN vẫn rất mới, cho nên chúng ta vẫn không biết rõ ràng về cơ chế chính xác gây ra các triệu chứng trên. Các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục nghiên cứu về dấu hiệu này.
Tình trạng này kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng này thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Tình trạng này sẽ không tiến triển nặng nề đến mức đe dọa tính mạng hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng nào và cũng không liên quan đến phản vệ sau tiêm.
Lưu ý không chườm đắp hay bôi bất kỳ thứ gì vào vị trí tiêm khi xảy ra các phản ứng trên. Nếu các triệu chứng trên ngày càng tăng, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
Những phản ứng toàn thân sau tiêm khác cần lưu ý
BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo sau tiêm vaccine COVID-19 mọi người cần tự theo dõi kỹ, thông báo cho y tế để được giúp đỡ, ghi nhận và đánh giá trường hợp của mình. "Nhớ rằng không tự điều trị, cần thông báo cho y tế" - BS Thái nói.
Khi bạn cảm thấy lo lắng, bất thường sau tiêm mà không giải thích được thì cần đến ngay viện. Đây là điều đầu tiên nghĩ đến trước khi có dấu hiệu rõ ràng. Cụ thể hơn là trường hợp phù nề, đau bụng, nhịp tim nhanh là biểu hiện sớm của phản vệ cần thông báo y tế để xử trí.
Ngoài ra, nếu sốt cao nhưng dùng thuốc hạ sốt không thấy giảm hoặc một thời gian ngắn lại sốt cao cũng là trường hợp nguy hiểm cần theo dõi.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau tiêm, thường xuyên đo thân nhiệt, nếu: sốt < 38,5 độ C thì cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh; đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Nếu sốt > 38,5 độ C: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, người dân cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Bộ Y tế khuyến cáo người có dấu hiệu tê quanh môi, lưỡi, họng bị ngứa, căng cứng, nghẹn, khó nói sau khi tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian theo dõi là biểu hiện bạn cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện.
Thời gian để người dân tự theo dõi sức khỏe là 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
Một số dấu hiệu nguy hiểm khác cần lưu ý như phát ban, nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da. Đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật. Đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
T.Nguyên