
|
Một góc của Cung Càn Thanh.
|
Sáng nay, vì đoàn TTVN không có môn thi đấu, lại tiện đi nhờ được xe của cơ quan thương trú Đài Tiếng nói, chúng tôi đã tổ chức cho các anh em PV lần đầu tiên tới Bắc Kinh đi thăm quan thành phố. Địa chỉ đầu tiên là Thiên An Môn và Cố Cung, do đã có thời gian học Đại học ở đây, nhiều lần đã được đến thăm địa danh nổi tiếng này, nên tôi quyết định không vào, đứng đợi ở ngoài, cũng là cách tiết kiệm 60 tệ tiền mua vé vào cửa. Đứng ở thang máy dẫn xuống ga tầu điện ngầm Tây Đơn, có thể nhìn bao quát cả một khoảng rộng lớn quảng trường trước mặt, rộn rã bao nhiêu cờ, hoa và khẩu hiệu của Olympic bằng cả 3 thứ tiếng, Trung, Anh và Pháp. Nhiều bạn bè quốc tế đã có dịp đến Bắc Kinh trước đây rất ngưỡng mộ sự cố gắng này của nước chủ nhà, bởi trước đây, chắc chắn, nếu ngồi taxi đi từ Ping Guo Yuan, đầu cực Đông tới tận Men Tou Gou, đầu cực Tây của Bắc Kinh thì giỏi lắm người ta cũng chỉ có thể nhìn thấy 1, 2 cái biển đề tiếng nước ngoài.
Hôm nay, Thiên An Môn người đông không kể xiết, phía bên kia, chỗ trước cửa Đại Lễ đường Nhân dân, dường như không còn một chỗ trống mà đứng chụp hình. Quang cảnh này gợi cho tôi nhớ lại một đêm tháng 7 năm 2002, thời điểm IOC tuyên bố Bắc Kinh giành quyền đăng cai TVH lần thứ 29, tôi đưa ông chú ruột tình cờ đến Bắc Kinh công tác ra đây chơi. Đêm ấy 2 chú cháu tôi không thể quay về chỗ nghỉ vì người đông quá, đường phố Bắc Kinh rộng là thế mà tắc nghẽn hết, chúng tôi cứ đứng suốt đêm trên quảng trường, giữa niềm vui, niềm tự hào tưởng như bất tận. Mọi người đồng thanh hô vang: Trung Quốc, Olympic, rồi ôm hôn nhau, nhảy múa. Chớp mắt, thế mà Olympic đã ở đây rồi...
Đứng mãi cũng mỏi, chợt nhìn thấy mấy người có tuổi đang ngồi quây quần dưới mấy gốc ngô đồng trước cửa Bảo tàng Nhân dân. Lập tức tôi tiến lại phía ấy, trước là tránh nắng, sau cũng là do máu nghề nghiệp, tại vì thấy mấy cô bác đó cứ đang tập trung, lúi húi nhìn ra biển người bên kia Đại lộ Trường An mà ghi chép gì đó.
Hỏi ra mới hay các bác đều là người của Hội hưu trí Tây Thành - một quận nhỏ ở Bắc Kinh nằm giữa Hải Điện và Triều Dương - các bác ra đây với mục đích trợ giúp những du khách quốc tế, nếu như có khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Cũng bởi đa số các bác trước khi nghỉ hưu đều là giáo viên hoặc làm các công tác liên quan tới ngoại ngữ. Tôi hỏi làm việc như thế này có thù lao hay bồi dưỡng gì không thì bác Yao (tôi đoán chắc cũng phải ngoài 70) cười, nói - Chúng tôi làm việc này hoàn toàn là do tự nguyện, với mong muốn trước là vì sự thành công của Olympic, sau là vì diện mạo của Bắc Kinh với du khách quốc tế. Trò chuyện một lát, khi biết tôi cũng đã từng có thời gian ở đây, câu chuyện của chúng tôi trở nên sôi nổi hơn. Mọi người đều đồng ý với nhau về sự đổi thay nhanh chóng của Bắc Kinh, đơn cử như ngoài Tiền Môn, trước vốn nhộn nhạo, xô bồ là thế (Tiền môn xưa là nơi các quan, lại địa phương về kinh chầu kiến Thiên tử thường tá túc, nên người kinh đô xưa ra đó mua bán, đổi chác các sản vật, lâu dần thành chợ, mãi cho tới tận bây giờ) nay nhờ có Olympic, nên cũng đã được cải tạo, quy hoạch lại, khang trang, trật tự hơn nhiều.
Nhưng theo các bác, đó vẫn chỉ là sự đổi thay bên ngoài, những điều tươi đẹp như đang có trước mắt hôm nay, một thời, đã chẳng bao giờ dám mơ tới, các bác kể rằng; đã có lúc tưởng như chẳng còn gì nữa. Những trí thức đang đứng trên bục giảng, đang nghiên cứu hay dịch sách, bỗng nhiên, đều phải bỏ lại Bắc Kinh, để đi về nông thôn... Cuộc sống thiếu thốn nhiều bề, nhưng theo các bác, khó khăn lớn nhất trong thời điểm, hoàn cảnh đó, không phải là cái đói, cái rét, mà chính là nhiều người cùng thế hệ các bác đã bắt đầu nghi ngờ, phân vân, trước những đổi thay, quặn thắt về: tình người, lý tưởng và cả niềm tin...
May mắn thay rồi tất cả cũng đã qua, bác Yao vẫn nhớ như in những lời động viên của Chủ tịch Đặng Tiểu Bình về những giá trị, vai trò của con người và văn hóa Trung Hoa, được hun đúc qua nhiều ngàn năm lịch sử, trong những ngày đầu xây dựng lại. Tháng năm trôi qua, từ tột cùng khó khăn, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã có những bước tiến thần kỳ, tạo nên sự ngưỡng mộ, khâm phục của tất cả bạn bè Thế giới. Olympic - đầu tiên phải thừa nhận chính là cơ hội để đất nước Trung Quốc giới thiệu một cách trực quan nhất sự thay đổi và phát triển của mình, để đi từ một TVH xanh - sạch cho tới Uớc mơ chung của toàn thế giới.
… Phần tôi, chào các bác ra về, bước đi giữa miên man cảm xúc bởi mình đã vô tình và may mắn được diện kiến những chứng nhân sống động của chiều dài lịch sử. Chợt nhận ra đáng quý biết bao niềm tin và sự nhẫn nại, để rồi từ đó, ta sẽ có những ngày mai tươi sáng hơn.
Chu Hưng