 |
Thi đấu Bóng chuyền tại huyện Vĩnh Châu - Sóc Trăng (Ảnh: Thạch Píc) |
Sau giờ làm, vào buổi chiều, nếu ai dạo một vòng quanh thành phố Sóc Trăng hoặc các tuyến huyện, thậm chí ở nông thôn sẽ bắt gặp những đội Bóng chuyền nghiệp dư “tranh tài” rất sôi nổi, hào hứng. Đa số VĐV “không chuyên” thi đấu ở sân là khoảnh đất trống, hoặc sân trường, chùa chiền… với số lượng rất đông đảo. Các giải, Hội thao do huyện, tỉnh tổ chức, môn Bóng chuyền luôn thu hút được một lượng lớn VĐV tham gia và là một trong những môn không thể thiếu, được nhiều người xem cổ vũ nhiệt tình nhất.
Các đơn vị có phong trào Bóng chuyền mạnh trong tỉnh từ nhiều năm qua vẫn là: Tp Sóc Trăng, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu... Phong trào Bóng chuyền tuy phát triển mạnh rộng khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng đến nay, vì sao Sóc Trăng vẫn chưa thành lập lại được đội tuyển cấp tỉnh để tham gia các giải toàn quốc?
Đi tìm câu trả lời này không khó. Trước hết, dù sân Bóng chuyền rất nhiều, nhưng đều không đạt chuẩn. Là một trong những tỉnh điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nên kinh phí đầu tư cho bộ môn này cũng một vấn đề. Không chỉ lo lực lượng đội tuyển trước mắt mà phải biết tính toán đến lớp trẻ kế thừa cho tương lai. Chỉ tính riêng ở Tp. Sóc Trăng, có trên dưới chục sân Bóng chuyền, nhưng chủ yếu là tận dụng sân đất trống, sân trường học, chùa chiền… Những người tham gia hầu hết đều đã qua cái tuổi có thể đào tạo thành VĐV đỉnh cao, hoặc có nơi nhiều thanh niên chơi rất say mê, nhưng lại thiếu những người hướng dẫn về mặt kỹ thuật.
Trước thực tế đó, ngành TDTT tỉnh Sóc Trăng cũng đã xây dựng quy hoạch định hướng phát triển không chỉ ở môn Bóng chuyền, mà ở một số môn thể thao đỉnh cao khác như: Bơi, Bi a… từ nay đến 2020. Đặc biệt, tháng 9/2009, Trường Đại học TDTT thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi báo cáo với UBND tỉnh về quy hoạch phát triển thể thao thành tích cao. Nhưng để đạt mục tiêu ấy, UBND tỉnh cũng đã đề nghị chỉnh sửa lại một số điều mục cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhà.
Ông Lưu Công Danh - PGĐ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, quy hoạch đào tạo cơ bản đã có, nhưng vẫn lệ thuộc vào kinh phí cấp. Hiện Trung tâm đang đào tạo 9 bộ môn gồm: Bóng rổ, Bi sắt, Judo, Cử tạ, Điền kinh....". Theo ông Danh, trong điều kiện ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn, thì kinh phí đầu tư cho ngành vẫn còn ở mức hạn chế, nên cũng khó đầu tư phát triển thêm cho các bộ môn khác. Nếu được UBND tỉnh phê duyệt sớm cũng là một khởi đầu mới cho Bóng chuyền Sóc Trăng. Tuy nhiên, để có một đội Bóng mạnh đủ sức tranh tài cùng những đội khác, Bóng chuyền Sóc Trăng còn phải mất thời gian dài.
Nhìn ra các tỉnh bạn, nhiều đội Bóng chuyền phải nhờ vào sự tài trợ của một số Công ty, doanh nghiệp để duy trì và phải thuê VĐV ngoại. Các VĐV này chưa hẳn trình độ đã cao hơn các VĐV Việt Nam. Minh chứng rõ nhất là tại giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia 2009 vừa qua, trong 8 danh hiệu cá nhân nam và 8 danh hiệu cá nhân nữ, chỉ có 2 VĐV nước ngoài, đều ở mục phát Bóng xuất sắc. Cho nên, nhiều ý kiến cho rằng, các CLB thuê VĐV ngoại do thiếu lực lượng. Nói vậy là có cơ sở, vì trong những năm qua, các nhân tố mới xuất hiện ở đội tuyển Việt Nam rất ít và trình độ còn kém xa các đàn anh, đàn chị.
Các đội Bóng mạnh còn gặp khó khăn thì Bóng chuyền Sóc Trăng bắt đầu từ con số “zero” đâu phải là chuyện đơn giản. Dù sao đi chăng nữa, người dân Sóc Trăng vẫn mong muốn, một ngày nào đó đội Bóng chuyền sẽ hồi phục sớm trở lại, vốn từng xuất hiện đội Bóng nữ trên đấu trường giải A2 toàn quốc trong những năm 1998 - 2000 và sẽ chứng kiến được đội Bóng chuyền của tỉnh nhà Sóc Trăng tranh tài cùng các đội bè bạn trên toàn quốc.
Thạch Píc