 |
|
VĐV Tôn Hoàng Khánh Lan, HCB Giải Thể hình nữ châu Á 2004 |
|
Đây là thành tích cao nhất của thể hình nữ VN sau 4 năm đứng “bên lề” đấu trường quốc tế. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Đỗ Đình Kháng-trưởng bộ môn thể hình cử tạ VN - xung quanh sự kiện này.
. Phóng viên: Thưa ông, thành tích vừa đạt được của thể hình nữ có nằm trong dự đoán của Ban Huấn luyện (BHL) đội tuyển thể hình VN không?
- Ông Đỗ Đình Kháng: Kể từ năm 2001, BHL đã lên kế hoạch tuyển chọn những nữ lực sĩ xuất sắc thông qua các giải vô địch toàn quốc. Nhưng mãi đến cuối năm 2003, sau khi cân nhắc, BHL mới quyết định triệu tập Mỹ Linh (TPHCM) tham dự Giải Vô địch châu Á 2004 với mục tiêu chinh phục HCV hạng cân 52 kg. Trong vòng 6 tháng, Mỹ Linh phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và trải qua nhiều cuộc sát hạch gắt gao. Ngoài ra, do sự nhạy cảm nghề nghiệp, HLV Huỳnh Anh đã thuyết phục BHL triệu tập thêm Khánh Lan (Đồng Nai) khi giải đấu chỉ còn 2 tháng. Như vậy, thành tích trên không nằm ngoài dự đoán của BHL đội tuyển thể hình VN.
. Với kết quả khả quan này, BHL có tiếp tục đầu tư cho thể hình nữ để bộ môn này trở thành một trong những môn mũi nhọn của thể thao VN trong tương lai gần?
- Nếu như thành tích của thể hình nam trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại thì ở nội dung nữ lại có bước tiến vượt bậc. Thực tế, không phải đợi đến khi giành được 2 HCB thì việc đầu tư ở nội dung nữ mới được BHL đội tuyển thể hình VN chú trọng. Trong suốt 4 năm qua, BHL đã âm thầm vạch ra chiến lược cụ thể nhằm từng bước đưa bộ môn này trở lại đấu trường khu vực. Sắp tới, BHL sẽ tiến hành tuyển chọn trên diện rộng nhiều VĐV để phân thành nhiều tuyến thay vì duy nhất một tuyến phong trào như trước đây. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn.
. Xin ông cho biết cụ thể những khó khăn đó?
- Về cơ bản, thể hình nữ VN phải đối đầu với 2 khó khăn. Thứ nhất là định kiến của xã hội chưa ủng hộ các “nữ kiến càng”, dẫn đến hệ quả ngày càng có ít VĐV nữ tập luyện bộ môn này. Khó khăn thứ hai là thiếu tiền. Mức bồi dưỡng 45.000 đồng/ngày không thể đáp ứng nhu cầu tập luyện của một VĐV thể hình. Đối với việc thiếu hụt lực lượng, BHL trong vòng 3 năm sẽ tìm kiếm và đào tạo một đội ngũ nữ VĐV đạt chuẩn. Riêng chuyện liên quan đến kinh phí thì đành phải chờ đợi những người có thẩm quyền quyết định.