Tính đến thời điểm này, những gương mặt cuối cùng của Việt Nam dự Olympic 2008 đã dần được xác định. Cùng với 16 đại diện trước đây, gồm: Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Thị Hoài Thu (Teakwondo); Đoàn Kiến Quốc (Bóng bàn); Đỗ Thị Ngân Thương (Thể dục dụng cụ); Nguyễn Mạnh Tường (Bắn súng); Nguyễn Tiến Minh, Lê Ngọc Nguyên Nhung (Cầu lông) và 8 VĐV của môn Wushu: Vũ Thuỳ Linh, Vũ Trà My, Trần Đức Trọng, Nguyễn Huy Thành, Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thuý Ngân, Lương Thị Hoa, Trương Trọng Đỏ). Đại diện của Điền kinh là Vũ Thị Hương (100m), Nguyễn Đình Cương (800m) và Bơi là Nguyễn Hữu Việt, Trần Thị Thuận (100m ếch) cũng vừa nhận được vé đặc cách tham dự TVH 2008 từ Liên đoàn Điền kinh và Liên đoàn Bơi quốc tế.
Như vậy, Việt Nam đã có tổng số 20 gương mặt tham dự Olympic Bắc Kinh 2008. Đây cũng chính là con số lớn nhất kể từ khi Việt Nam tham dự TVH. Lần đầu tiên, sau khi nước nhà thống nhất, đoàn TTVN gồm 70 người tham dự Đại hội Olympic lần thứ 20 tại Matxcơva (năm 1980) và tham dự 2 môn. Sự kiện này đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè thế giới, thay đổi quan niệm về Việt Nam là một quốc gia chỉ biết đến chiến tranh. Ngoài ra, đây còn là dịp tốt để chúng ta kiểm tra trình độ thể thao của mình, qua đó thúc đẩy việc tập luyện, nâng cao thành tích thể thao trong nước và mở ra nhận thức về hoạt động trong Phong trào Olympic quốc tế.
 |
Kình ngư Nguyễn Hữu Việt giành quyền tham dự Olympic 2008 (Ảnh: Thế Thiện) |
Năm 1984, Việt Nam không cử đoàn tham dự Đại hội Olympic lần thứ 13 tại Mỹ nhưng cũng đã cử đoàn thể thao tham dự Đại hội thể thao thiện chí tại Matxcơva. Năm 1988, đoàn Việt Nam tham dự TVH lần thứ 14 tại Seoul - Nam Triều Tiên với 16 người và tiếp đó, năm 1992 (TVH lần thứ 15 - Barcelona, Tây Ban Nha), đoàn Việt Nam góp mặt với 12 người (6 VĐV).
Nhận biết đấu trường Olympic là sân chơi quá tầm và Việt Nam cần có một thời gian dài để đầu tư và chuẩn bị lực lượng, nhưng trong xu thế hội nhập và phát triển, các cấp lãnh đạo ngành TDTT xác định sự cần thiết của việc tham dự TVH và quan trọng hơn, một phần nhằm tạo cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm thi đấu cho các VĐV, phần lớn là thực hiện nhiệm vụ chính trị khi mà TTVN đang cần củng cố, nâng cao vị trí của mình tại đấu trường khu vực và quốc tế. Năm 1996, đoàn TTVN gồm 12 người (6 VĐV) đã tham dự Olympic Atlanta, Mỹ. Đây cũng là Đại hội kỷ niệm 100 năm Đại hội Olympic hiện đại.
Năm 2000 - TVH Sydney đã đi vào lịch sử TTVN như một dấu son đáng nhớ và rất đỗi tự hào. Lần đầu tiên sau nhiều năm tham dự TVH, VĐV Trần Hiều Ngân (Teakwondo) đã vinh dự đứng lên bục vinh quang khi giành HCB, ghi tên quốc gia mình trong bảng thành tích chói lọi của TVH. Tấm huy chương Bạc của Hiếu Ngân đã đánh dấu sự trưởng thành của TTVN trên đấu trường Olympic, quan trọng hơn đó là phần thưởng quý giá, là nguồn động viên to lớn đối với những người hoạt động trong lĩnh vực TDTT, khơi dậy thêm niềm tin vào khả năng và tương lai tươi sáng của thể thao nước nhà. Tại TVH này, đoàn TTVN tham dự với 15 người (7 VĐV), tranh tài ở các môn: Điền kinh, Bơi, Bắn súng và Tekwondo.
Dù không tái lập được thành tích tại Sydney 2000 nhưng với 23 người (10 VĐV), TTVN đã kiểm nghiệm chính xác trình độ của mình tại TVH lần thứ 18 tổ chức tại Athens - Hy Lạp, ở những môn thể thao: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Teakwondo, Bóng bàn, Rowing. Đây cũng chính là Đại hội quan trọng để TTVN hoạch định cụ thể những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và đào tạo VĐV.
Trở lại với các đại diện tham dự TVH năm nay, 20 gương mặt trên chưa hẳn là con số cuối cùng đại diện cho TTVN tới Olympic Bắc Kinh, bởi trong tháng 6 này, chúng ta còn chờ đợi phản hồi từ các môn Cử tạ, Rowing, Canoeing, Điền kinh... vì vậy rất có thể danh sách VĐV tham dự Đại hội sẽ không dừng lại ở 20. Hy vọng, tại TVH Bắc Kinh 2008, những gương mặt đại diện cho TTVN sẽ làm nên điều kỳ diệu, ghi danh vào bảng Vàng thành tích của TVH cũng như của lịch sử thể thao nước nhà.
Xuân Nhi