Trong mấy ngày qua, việc tuyển thủ quốc gia nhảy cao - Đương kim vô địck SEA Games 23 Nguyễn Duy Bằng gửi đơn xin rút khỏi đội tuyển quốc gia đã không chỉ làm nao lòng biết bao NHM cả nước mà còn là nỗi trăn trở cho các giới chức có trách nhiệm của ngành TDTT trước một thực trạng đất nước đang từng bước chuyển mình để hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa.
Ai cũng biết rằng trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong thời kỳ mới chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, cũng như các lĩnh vực khác, Thể thao Việt nam (TTVN) cũng có những thuận lợi, thời cơ và vận hội mới để phát triển song lại gặp không ít thách thức vì không kịp thích nghi trong quá trình chuyển đổi chung của toàn xã hội.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, ngoài Bóng đá và phần nào đó là Bóng chuyền, ở các môn thể thao còn lại, lực lượng HLV, VĐV đẳng cấp cao thuộc hệ đội ĐTQG, tuy có thể xem việc tổ chức tập luyện, sinh hoạt, các quy chế ràng buộc về nghĩa vụ, quyền lợi… theo hướng không còn gọi là “đỉnh cao” của phong trào như thời bao cấp nhưng cũng chẳng thể gọi là chuyên nghiệp hay “nhà nghề” đúng với nghĩa đen của nó. Hiện nay, không hiếm các VĐV ưu tú của quốc gia như Tiến Minh (Cầu lông, Tp.HCM); Minh Quân, Thùy Trang (Quần vợt, Tp.HCM; Hà Nội); Cao Sang (Thể dục - Lâm Đồng), Trường Sơn (Cờ Vua - Kiên Giang), Quang Liêm (Cờ Vua - Tp.HCM)… nếu không có sự chắp cánh, tiếp sức thêm của gia đình và các tổ chức, cá nhân trong xã hội thì họ khó lòng đeo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao và góp phần làm rạng danh cho Thể thao nước nhà chỉ bằng lòng đam mê của từng người cùng khoản đầu tư có giới hạn từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN).
Trong điều kiện đất nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng kém phát triển, những đóng góp từ các nguồn lực xã hội cho các tài năng thể thao ưu tú của quốc gia rất đáng được trân trọng, song có thể nhận định, cách làm vừa qua chưa theo kịp xu thế đổi mới. Có thể vào thời điểm cách đây hơn một thập niên, nhiều người dân ở khắp nơi hăm hở giới thiệu con em mình cho việc tuyển chọn năng khiếu thể thao ban đầu vì nhiều lý do, nhưng không chỉ xuất phát từ chế độ đãi ngộ chưa thể theo kịp sự tăng trưởng của cuộc sống. Hơn nữa, hiện nay các địa phương lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc mời gọi các tài năng thể thao còn ở dạng “mầm chồi” đó, kể cả là con em cán bộ - HLV trong ngành. Đi đến nơi đâu, hầu như các nhà tuyển chọn VĐV ở cơ sở cũng bắt gặp những cái … lắc đầu: “Để cháu tập vì sức khỏe thôi, còn phải lo học văn hóa để hướng đến tương lai sau này, anh (chị) ạ!”.
Thực trạng trên không đến độ "bi quan" về sự cạn kiệt dần nguồn năng khiếu thể thao ban đầu ở các nơi, song do xuất phát từ bản chất của nền TTVN, nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước cấp cho toàn ngành TDTT hằng năm là không nhiều nhưng phần lớn trong số ấy “gánh” cho cả những khoản việc mà nhiều quốc gia khác “khoán” lại cho các lực lượng trong xã hội thực hiện để phục vụ cho chính người được hưởng thụ trực tiếp. Từ trước đến nay, dù mức độ đầu tư khác nhau ở những mảng việc cụ thể tùy bản chất, mục tiêu của nền TDTT từng quốc gia có thể chế chính trị khác nhau, nhưng rất ít quốc gia nào lại dùng tiền từ Ngân sách Nhà nước để chu cấp cho lực lượng HLV, VĐV sau khi giã từ sự nghiệp hoặc nghỉ thi đấu do bị chấn thương (HLV, VĐV của họ phải tự mua bảo hiểm). Được biết, các HLV, VĐV nhà nghề (chuyên nghiệp) ở nước ngoài, ngoài khoản lợi nhuận không nhỏ từ các hợp đồng chuyển nhượng (lương, thưởng,…) họ luôn có nhiều nguồn thu khác nhờ các hợp đồng quảng cáo bằng giá trị thật qua hình ảnh của họ được các nhà tài trợ khai thác trên thương trường để thu lại lợn nhuận lớn hơn nhiều.
Trong khi đó, với cách làm của mình, TTVN đã đầu tư khá dàn trải trong xây dựng lực lượng, hằng năm chi phí đến vài chục tỉ đồng để nuôi hàng chục ngàn VĐV các tuyến, từ năng khiếu cấp quận, huyện, thị cho đến các đội dự tuyển quốc gia. Như vậy, dù có tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng cho các HLV, VĐV ưu tú của quốc gia và có chính sách cụ thể của Nhà nước quy định, song việc chăm lo cho đầu ra của số tài năng ít ỏi này sau khi từ giã sự nghiệp hay phải nghỉ thi đấu do chấn thương để họ yên tâm cống hiến là một việc không dễ dàng.
Và công bằng mà xét, không thể đổ lỗi cho Nhà nước như nhận định: “VĐV chẳng khác nào múi chanh, khi hết nước thì người ta quăng không thương tiếc” của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Duy Bằng trên Báo Tuổi Trẻ ngày 23/02. Bởi lẽ ngoài các tố chất thiên phú rất đáng quý, các “viên ngọc thô” vẫn sẽ chỉ ở lại “nền đất” chứ không thể tỏa sáng và trở thành các VĐV ưu tú của quốc gia, vì ngoài sự phấn đấu tự thân của họ, còn có biết bao chuyên gia, HLV các cấp đã dồn tâm trí, công sức, thời gian để đào luyện nên các “ngôi sao sáng” dưới sự đầu tư hầu như toàn bộ kinh phí từ NSNN (có hợp đồng đào tạo; hợp đồng sử dụng; quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia ký hợp đồng).
Thiết nghĩ, từ trường hợp xin thôi tập luyện của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Duy Bằng (Sở TDTT Bến Tre đã gặp anh cùng gia đình để giải quyết vào ngày 25/02, hy vọng TTVN sẽ có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý làm nền tảng cho bước phát triển mới phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước. Và trong các giải pháp được đặt ra, không thể không tính đến việc trang bị kiến thức pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ, đặc biệt các HLV, VĐV phải thoát khỏi tư tưởng ỷ lại như thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung và cần quen dần với nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, trong đó mọi hoạt động sẽ được điều chỉnh bằng "quy luật giá trị".
Thanh Tùng (Sở TDTT Bến Tre)