Tuy nhiên, cuộc sát hạch ở giải điền kinh quốc tế TP.HCM vừa qua đã phần nào giải được bài toán lực lượng cho SEA Games 23.
Theo HLV trưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy, chỉ tiêu đề ra cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 23 là 6 HCV. Định hướng chiến lược để tranh vàng khu vực là các cự ly trung bình, dài và nhảy cao.
Lực lượng đội tuyển tham dự giải quốc tế mở rộng TP.HCM lần này theo ông Thủy đã đạt yêu cầu về thành tích dù trong giai đoạn tập nặng. Đáng chú ý tốp VĐV vừa đi tập huấn ở Côn Minh (Trung Quốc) về là Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Mai, Đỗ Thị Bông, Nguyễn Đình Cương, Lê Văn Dương, Trần Văn Thắng… (do HLV Hồ Thị Từ Tâm và Bùi Lương dẫn dắt) đều đạt thành tích tốt.
Tại giải TP.HCM mở rộng, VĐV Marathon Nguyễn Thị Hòa đoạt cú đúp với 2 HCV 5.000 và 10.000m. Riêng thành tích của Hòa ở nội dung 10.000m là 36 phút 13.5. Thành tích này so với HCV của Trúc Vân ở SEA Games 22 là 34 phút 48.28 thì vẫn còn chênh lệch. Tuy nhiên, đây là nhân tố thay thế đàn chị Trúc Vân đã giải nghệ.
Sự trở lại của Nguyễn Thị Thanh Hoa trên đường chạy 100 rào là tín hiệu đáng mừng sau khi Vũ Bích Hường chia tay. Thành tích 13 giây 8 không phải là quá tồi đối với “gái một con” này. Tuy nhiên, để thắng được nữ hoàng "đen" Trecia Robert của Thái Lan thì vẫn là một thử thách lớn.
Hai cự ly trung bình 800 và 1.500 m nam nữ không thiếu người. Về nam vẫn là hai gương mặt Lê Văn Dương (HCV 800m) và Nguyễn Đình Cương (HCV 1.500m giải TP.HCM vừa qua). Phía nữ sáng giá nhất vẫn là Đỗ Thị Bông. Hai kỷ lục quốc gia mới của Bông và Cương tại giải TP.HCM là một sự tiến bộ lớn sau chuyến tập huấn Côn Minh về. Đó là chưa kể Nguyễn Thị Lan Anh còn “luyện” bên Trung Quốc.
Dương, Cương, Bông và Lan Anh có thể được coi là “tứ trụ” trong chiến dịch săn vàng ở SEA Games tới. Vấn đề là ban huấn luyện phải tính toán để nhắm tới thành tích tối ưu nhất của bộ tứ này vào cuối năm, nhất là khi các quốc gia khác cũng tăng cường nhân tố mới ở các cự ly trung bình này.
Tại giải quốc tế TP.HCM, những gương mặt từng thành danh tại SEA Games 22 vẫn giữ được phong độ tốt, cần tập trung đầu tư như Trần Văn Thắng ở cự ly 3.000m chướng ngại vật, Bùi Văn Hà (10 môn phối hợp, HCB SEA Games 22), Bùi Thị Nhật Thanh (nhảy tam cấp), Nguyễn Thị Thu Cúc (7 môn phối hợp, HCV SEA Games 22).
Ở nội dung chiến lược nhảy cao, Bùi Thị Nhung đạt thành tích xấp xỉ trong tập luyện, riêng Duy Bằng quá tệ do anh ngại chấn thương. Dù vậy, thời gian còn 4 tháng nữa để chuyên gia Mikhail điều chỉnh điểm rơi cho cả hai. Cả hai phải đòi lại tấm HCV mà họ đã để vuột một cách đáng tiếc ở SEA Games trước.
Đó là chưa kể vẫn còn một tân kỷ lục gia Đông Nam Á nhảy sào nữ là Lê Thị Phương, người làm nên kỳ tích tại giải Thái Lan mở rộng với 4m05.
Cô gái vàng Nguyễn Thị Tĩnh đã hồi phục chấn thương và đang trong chu trình tập huấn tại Trung Quốc. Cô là niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam ở các cự ly ngắn và tiếp sức.
Sự liệt kê trên đây không phải để “đếm cua trong lỗ” vì cuộc tranh tài tại Philippines vào cuối năm nay vô cùng khó khăn, quyết liệt. Có những nội dung ước tính chúng ta sẽ bảo vệ được thành tích và có những nội dung khó khăn hơn nhiều, chưa kể những yếu tố khách quan khác có thể ảnh hưởng đến thành tích.
Dẫu biết rằng đạt được sự bội thu như ở SEA Games trước là khó khăn, nhưng thành tích này chính là nền tảng để điền kinh Việt Nam tập trung đầu tư, bắt đầu một cuộc chinh phục mới dựa trên những thành tích vừa trải qua đợt kiểm tra tại TP.HCM.
Theo Thethao.Vietnamnet.vn