Chuẩn bị tham gia "trận chiến" SEA Games 23, đội tuyển Vật Việt Nam đang dốc sức cố gắng tập luyện với quyết tâm bảo vệ ngôi đầu bảng. Để biết thêm tình hình tập luyện của VĐV, nhóm phóng viên trang tin điện tử, Uỷ ban TDTT đã có buổi trò chuyện với ông Lê Ngọc Minh (trưởng Bộ môn Vật, Uỷ ban TDTT).
* Với cương vị nhà quản lý nhà nước, ông đánh giá trình độ VĐV Vật của Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Chúng ta có thể đánh giá trình độ VĐV thông qua những thành tích họ đạt được khi họ tham gia các giải đấu quốc tế trong năm vừa qua: Tại giải Châu Á đạt 2 HCB và 4 HCĐ; giải vô địch Vật tự do và cổ điển thế giới năm 2005 Nguyễn Thị Hằng giành chiếc HCB vật tự do hạng cân 44 kg. Đây là những kết quả rất khả quan cho nhiệm vụ giữ vững ngôi đầu bảng tại SEA Games 23. Điều này đã chứng tỏ VĐV của chúng ta đã được tập luyện đúng theo kế hoạch và mục đích đặt ra. Hiện tại, ở hạng cân nhẹ và bán trung (từ 48 đến 59kg), Vật Việt Nam được đánh giá là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á, so với mặt bằng cấp châu lục, Việt Nam đang ở mức trung bình.
* Vì sao tuyển nữ Việt Nam thay đổi địa điểm tập huấn từ Nga chuyển sang Trung Quốc và liệu có ảnh hưởng tới phong độ và thành tích của VĐV, thưa ông?
- Theo kế hoạch, tuyển Vật nữ sẽ đi tập huấn tại Matxơcơva, Nga nhưng vì không liên hệ được với bạn nên sẽ tập huấn tại Trung Quốc. Chúng tôi muốn các VĐV nữ tập huấn tại Nga vì ở đó các VĐV của chúng ta được chuẩn bị thể lực tốt và được nâng cao trình độ do ở đây có ứng dụng khoa học kỹ thuật với kỹ thuật cá nhân của VĐV Nga rất tốt. Mặt khác, tạo điều kiện cho các đô Vật nữ được học hỏi ngoài khu vực châu lục nên việc tập huấn tại Nga để đến đợt sau. Nhưng điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến thành tích của VĐV.
* Xin ông cho biết tình hình cơ sở vật chất của VĐV trong quá trình tập luyện?
- Tuyển Vật Việt Nam đang tập huấn tại TTHLTTQG I, đây là nơi có cơ sở tập luyện rất tốt cho các VĐV do đã được kế thừa trang thiết bị từ SEA Games 22. Nhưng vấn đề của chúng tôi không phải là cơ sở vật chất của TTHLTTQG I mà là tại các tỉnh, thành, địa phương. Vật là môn thể thao cổ truyền và đó chính là nơi phát triển phong trào tập luyện môn thể thao này làm nền móng cho thể thao thành tích cao và cũng là nơi lựa chọn những VĐV cho tuyển quốc gia. Không phải tỉnh nào cũng có thảm đệm đầy đủ phục vụ cho việc tập luyện của các VĐV.
* Bộ môn có những định hướng như thế nào để phát triển Vật tại Việt Nam, thưa ông?
- Để Vật Việt Nam nhất là vật nữ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp rất cần các tỉnh, thành, ngành quan tâm phát triển, tăng số lượng VĐV tham gia tập luyện vì đây là môn thể thao mang tính truyền thống phát triển từ các địa phương. Như tôi đã đề cập, vấn đề cơ sở vật chất cần được đầu tư hơn nữa từ các cơ sở. Việc nâng cao trình độ cho vận động viên vẫn được tiến hành theo kế hoạch tập luyện. Trong đó, tăng cường huấn luyện thể lực, đặc biệt là trang bị, khuyến khích phát huy các kỹ thuật miếng đánh sở trường của từng VĐV. Tuyển Vật tiếp tục tham gia tập luyện và thi đấu nhiều giải quốc tế và giải mời, hoặc chúng ta sẽ tổ chức giải mời. Bên cạnh đó, cần nâng cao số lượng và chất lượng của HLV vì HLV Vật của chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bộ môn sẽ đề nghị Uỷ ban TDTT có chính sách về công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV Vật trẻ.
* Xin cảm ơn ông vì được trao đổi.
HX