Xuất phát từ điều kiện con người và truyền thống của địa phương
Ngành TDTT tỉnh Yên Bái được tái lập lại từ tháng 6/1994, bộ máy cấp tỉnh được hình thành gồm cơ quan quản lý nhà nước có 2 Phòng là phòng kế hoạch nghiệp vụ và Phòng tổ chức hành chính, 2 đơn vị sự nghiệp là Trường Trung học TDTT và Trung tâm TDTT với tổng số 58 người. Trong đó cán bộ Đại học và Cao đẳng TDTT 25 người, trung cấp TDTT 3 người. Điểm nổi bật trong công tác cán bộ đến nay đã có 29 đồng chí là đảng viên, 3 đồng chí có trình độ lý luận cao cấp, 12 đồng chí có trình độ lý luận trung cấp. Hệ thống đào tạo VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh được hình thành theo 3 tuyến: tập trung, bán tập trung và năng khiếu nghiệp dư. Do điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất và đội ngũ HLV nên chỉ lựa chọn và tập trung chủ yếu vào một số môn thể thao có ưu thế như: Điền kinh, Cầu mây, Bóng rổ, Bóng chuyền…và một số môn cá nhân như Bi-a, Võ. Hình thành hê thống câu lạc bộ thể thao năng khiếu một số môn (như Điền kinh) tại các huyện, thị, thành phố làm vệ tinh nhằm bổ xung VĐV cho các môn thể thao trọng điểm. Hàng năm duy trì lực lượng VĐV các tuyến: tập trung từ 80 đến 95 VĐV bán tập trung từ 115 đến 130 VĐV, tuyến năng khiếu nghiệp dư từ 400 đến 500 VĐV. Duy trì 5 đội thể thao hạng A toàn quốc về các môn Bóng rổ, Bóng chuyền, Cầu mây. Hàng năm đạt từ 27 đến 46 huy chương trong các giải vô địch, giải trẻ toàn quốc. Chỉ tiêu VĐV đẳng cấp quốc gia hàng năm cấp I từ 25 đến 35, kiện tướng từ 8 đến 14 lượt VĐV. Mỗi năm bổ sung, tham gia vào đội tuyển quốc gia thi đấu khu vực và quốc tế từ 2 đến 4 VĐV một số môn như Điền kinh, Bóng rổ,… Có 7 môn thể thao được đào taọ tham gia giải khu vực và toàn quốc là: Bóng rổ, Bóng chuyền nữ, Cầu mây, Điền kinh, Bi-a, Cử tạ, Karatedo. Tuy nhiên, TDTT tỉnh Yên Bái vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là lực lượng cán bộ cho các đơn vị và các huyện, thị. Việc hình thành và xây dựng lực lượng VĐV thể thao thành tích cao phải xuất phát từ điều kiện con người, cơ sở vật chất, kinh tế và chuyền thống về TDTT của từng địa phương. Xây dựng lực lượng VĐV phải nằm trong chiến lược giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng này, đào tạo họ trở thành VĐV thành tích cao trong một thời gian nhất định, về lâu dài họ sẽ trở thành cán bộ TDTT trong các địa phương, cơ sở, trường học và cán bộ của ngành. Đào tạo lực lượng VĐV phải dựa trên cơ sở đội ngũ HLV có trình độ chuyên môn sâu, có trình độ sư phạm, có khả năng tiếp cận, chuyển tải những thông tin và công nghệ mới trong công tác huấn luyện, đào tạo. Việc xây dựng lực lượng VĐV phải đảm bảo tính hệ thống liên tục và quyết tâm cao đồng thời phải được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành của địa phương đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục-Đào tạo, sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với phụ huynh của các VĐV. Đào tạo năng khiếu VĐV phải tiến hành song song với giáo dục chính trị tư tưởng cho VĐV đồng thời bảo đảm lợi ích vật chất, tinh thần cho đội ngũ VĐV. Lực lượng VĐV vừa phải làm nòng cốt cho phong trào của tỉnh vừa là đại diện của tỉnh tham gia các giải toàn quốc và bổ xung lực lượng cho một số đội tuyển quốc gia.
Theo Tạp chí Thể thao