Menu

20 năm nhìn lại sự phát triển và trưởng thành của thể thao Sóc Trăng

20 năm nhìn lại sự phát triển và trưởng thành của thể thao Sóc Trăng

08 Tháng Năm 2012

20 năm nhìn lại sự phát triển và trưởng thành của thể thao Sóc Trăng

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng - Nguyễn Tánh trao giải thưởng cho các cá nhân đạt thành tích giải việt dã tỉnh.(Ảnh: TPíc)

Cùng với khó khăn chung của tỉnh vừa tách từ tỉnh Hậu Giang, năm 1992 thể thao thành tích cao của Sóc Trăng đã bắt tay xây dựng phong trào trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chỉ có 1 nhà thi đấu, 2 sân quần vợt tại công viên Bạch Đằng, 1 sân bóng đá. Lúc đó, phong trào thể thao thành tích cao chủ yếu duy trì và củng cố các đội bóng có sẵn từ các đội thể thao phong trào, như: Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền. Thế nhưng, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và sự nỗ lực trong công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên, huấn luyện viên, VĐV, đến nay thể thao thành tích cao của Sóc Trăng đã trưởng thành và không chỉ có tên tuổi trên bản đồ thể thao trong nước, mà còn có cả trên bản đồ thể thao quốc tế.

Ông Lưu Công Danh - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh kể lại: “Giai đoạn từ 1995 - 2000, Sở TDTT được UBND quyết định thành lập (tách từ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao). Trường Nghiệp vụ TDTT là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở TDTT, với chức năng tuyển chọn và đào tạo VĐV năng khiếu của tỉnh. Bước đầu chỉ tuyển sinh và đào tạo các môn, như: Bóng rổ nam, Bóng chuyền nữ, Điền kinh và Judo. Năm 1995, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ III được diễn ra ở Hà Nội, đoàn thể thao Sóc Trăng đã cử đội tuyển 7 môn tham dự. Kết quả, đoàn Sóc Trăng đã giành được 3 HCB và 6 HCĐ ở các môn Điền kinh (Ném đẩy và Đi bộ), Quần vợt, Bóng rổ, Judo xếp hạng 31/56 tỉnh, thành, ngành trong cả nước”.

Trên nền tảng gặt hái được những thành tích bước đầu, từ năm 2001, thể thao thành tích cao có những bước phát triển đột phá. Công tác đào tạo VĐV được quan tâm đầu tư đúng mức, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và xu thế phát triển thể thao của cả nước tập trung đầu tư ở các môn: Cử tạ, Cầu mây, Bắn cung, Đua thuyền hiện đại (Canoeing, Kayak). Theo ông Lưu Công Danh, đến tháng 4-2008, Sở TDTT hợp nhất với Sở Văn hóa - Thông tin thành Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, kế thừa và phát triển nhiệm vụ của đơn vị trong công tác đào tạo, huấn luyện 200 VĐV; trong đó, đội tuyển 65, tuyển trẻ 50, tuyển năng khiếu 85 VĐV và 18 HLV ở 9 môn thể thao. Hàng năm, Trung tâm có từ 30 đến 40 lượt HLV và VĐV được Tổng cục TDTT triệu tập vào đội tuyển trẻ và dự tuyển quốc gia tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Nếu như năm 1995, đội tuyển thể thao Sóc Trăng chỉ đoạt một số huy chương nhất định trên đấu trường quốc gia, thì năm 2003 con số huy chương ấy đã khác xa và đáng tự hào. Tại các kỳ SEA Games 22 năm 2003, do nước chủ nhà Việt Nam đăng cai tổ chức, thì tuyển thủ Sóc Trăng không chỉ vinh dự được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, mà còn đóng góp 1 HCV môn Judo và 1 HCĐ môn Bi sắt. Sang SEA Games 23 năm 2005, được tổ chức tại Philippines tiếp tục đóng góp 8 huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam ở các môn, như: môn Judo giành 1 HCV, Bi sắt (1 HCB), 6 HCĐ các môn Bi sắt, Taekwondo và Quần vợt. SEA Games 24 năm 2007, tại Thái Lan từ 1 HCV lên 2 HCV môn Judo, Bi sắt, 1 HCB môn Cầu mây, 4 HCĐ môn Cầu mây, Quần vợt và Bi sắt… Những tên tuổi được giới truyền thông nhắc đến nhiều lần là nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú - môn Judo, hạng cân 48kg đã 4 lần liên tiếp đoat ngôi vô địch tại các kỳ SEA Games. Trong khi, ở môn Bi sắt các bi thủ Trần Thị Phượng Em, Danh Sà Phanl, Thái Thị Hằng, Thạch Tâm, Thạch Dương hay bộ môn cầu mây là cầu thủ Lưu Vinh Lợi, Liêu Bá Tùng, Mỹ Linh, Diễm Kiều… đã đóng những thành tích cao quý trên đấu trường khu vực và quốc tế cho đoàn thể thao Việt Nam và góp phần làm rạng rỡ thêm niềm tự hào thể thao Sóc Trăng. Với sự quyết tâm cao và thi đấu tích cực của các VĐV, năm 2011 vừa qua đã mang về cho đoàn thể thao tỉnh nhà 228 huy chương; trong đó, 52 HCV, 89 HCB và 87 HCĐ tập trung ở các môn Bi sắt, Judo, Điền kinh và Bắn cung.

Bên cạnh những thành tựu của thể thao thành tích cao gặt hái được, phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ông Lâm Thanh Dũng - Trưởng Phòng Nghiệp vụ TDTT (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng) là một trong những người gắn bó với thể thao từ khi tái lập tỉnh nhớ lại: “Trước đây, số người tham gia tập luyện thể dục còn khá khiêm tốn, thì nay phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển khá mạnh; số lượng người và câu lạc bộ ở cơ sở cũng tăng theo qua các năm, chủ yếu là phong trào thể dục buổi sáng, như: đi bộ, chạy vì sức khỏe, thể dục dưỡng sinh, đá cầu, cầu lông…. Nếu như năm 2005 có trên 14% dân số tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, 470 CLB thể thao, thì con số ấy đến nay đã tăng lên 279.372 người, chiếm gần 22% và 650 CLB TDTT. Hiện toàn tỉnh có trên 500 sân chơi, bãi tập phục vụ cho các hoạt động TDTT. Nhờ vậy, phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng tạo chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa, xã hội”.

Hàng năm, ngành TDTT tỉnh nhà đã tổ chức từ 16 đến 20 giải thể thao cấp tỉnh, hơn 20 giải đấu cấp ngành; đăng cai tổ chức từ 2 - 3 giải cấp khu vực và toàn quốc, trên 200 giải đấu các cấp ở cơ sở, thu hút đông đảo VĐV tham gia tranh tài ở các môn truyền thống như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bóng bàn, Quần vợt, Cầu lông, Cờ tướng, Bi sắt, Taekwondo, Vovinam, Võ cổ truyền, Đua thuyền rồng... Ngoài ra, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Sóc Trăng còn duy trì và tổ chức lễ hội lân sư rồng vào dịp Tết Nguyên đán và đua ghe ngo - lễ hội Oóc-om- bóc truyền thống của đồng bào Khmer, hội thao dân tộc, nhằm quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về nét đẹp truyền thống, văn hóa của cộng đồng 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa. Từ đó, chất lượng các giải thể thao cũng được nâng lên, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT đa dạng, phong phú.

Trải qua 2 thập niên xây dựng, phát triển và trưởng thành, những thành tựu nổi bật mà thể thao tỉnh nhà đạt được là sự đồng lòng của sức mạnh đoàn kết, sáng tạo và sự nỗ lực, đóng góp của toàn ngành qua nhiều thế hệ công chức, viên chức, HLV, VĐV ở các môn thể thao. Năm 2000, ngành TDTT Sóc Trăng vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III, VĐV Mã Thị Phượng (môn điền kinh) được bình chọn 10 gương mặt tiêu biểu xuất sắc Việt Nam năm 2001, nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú (môn Judo) 4 kỳ liên tiếp đoạt ngôi vô địch tại SEA Games và giải quốc tế khác được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III, năm 2010.

Ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng nhận định: “Nhìn chung công tác TDTT của tỉnh trong những năm qua đã có sự phát triển và tăng trưởng khá rõ nét cả về TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao. Hầu hết mọi đối tượng, mọi lứa tuổi và đồng bào các dân tộc đều tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Với những kết quả, thành công ban đầu đã góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh và đưa thể thao tỉnh nhà phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh trong toàn quốc. Song chặng đường phát triển thể thao của Sóc Trăng trong những năm tiếp theo vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với sức mạnh đoàn kết cùng với những hoạch định mang tính chiến lược của toàn ngành và sự đồng thuận của tập thể công chức, viên chức, HLV, VĐV; sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong tỉnh, niềm tin vững chắc thể thao Sóc Trăng sẽ vươn tới tầm cao mới trong tương lai gần”.

Bài, ảnh: THẠCH PÍCH

Print

Số lượt xem (1185)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.