Menu

Bác Hồ với thể thao

Bác Hồ với thể thao

24 Tháng Năm 2011

Bác Hồ với thể thao

Hoà cùng niềm vui đại thắng của cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc ta cũng phải lập tức đối mặt với rất nhiều khó khăn trong đó có đói rét, bệnh tật, sức khoẻ nhân dân giảm sút nghiêm trọng. Trước hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vài trò sức khoẻ con người, sức khoẻ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ký sắc lệnh thành lập ngành Y tế và ngành TDTT của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Để nền TDTT mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" với văn phong bình dị, rõ ràng. Đây được coi là "kim chỉ nam" cho sự hình thành và phát triển của nền TDTT nước nhà. Chỉ hai tháng sau khi "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục" của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27/3/1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào "Khoẻ vì nước". Phong trào "Khoẻ vì nước" thực chất là bước khởi đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.

Với việc ký Sắc lệnh thành lập ngành TDTT, viết "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục", đích thân phát động phong trào "Khỏe vì nước và động viên, cổ vũ phong trào "Khoẻ vì nước" phát triển sôi nổi. Điều này đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh  là người khai sinh nền TDTT nước nhà.

Cuối năm 1946, khi cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mục tiêu "Khoẻ vì nước" vẫn được duy trì trong các đối tượng như thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên ở các vùng tự do, dân quân du kích ở hậu phương, bộ đội Cụ Hồ trên các nẻo đường trong kháng chiến.

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cách mạng Việt Nam chuyển sang trang mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III của Đảng vào tháng 9/1960 đã chỉ ra phương hướng phát triển TDTT trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam là: Tiếp tục phát triển phong trào TDTT yêu nước của quần chúng, gây dựng thành một cuộc vận động cách mạng thường xuyên, liên tục và lâu dài, nâng cao trình độ các môn thể thao ở những nơi có điều kiện. Vào đầu năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cácn bộ TDTT toàn miền Bắc, nhấn mạnh đến vai trò của sức khoẻ và vai trò của TDTT đối với sức khoẻ con người, từ đó Người chủ trương phát triển phong trào TDTT cho rộng khắp. Mục tiêu và tính chất của nền TDTT xã hội chủ nghĩa đã được Bác Hồ chỉ ra.

Từ những chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ rất đúng đắn, sáng tạo nền thể thao xã hội chủ nghĩa do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta vạch ra, đã đạt được những thành tựu cơ bản trên tất cả các mặt từ: thể dục thể thao quần chúng; giáo dục thể chất của thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển manh; thể thao thành tích cao bước đầu đạt một số thành tích đáng kể; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Những thành quả của TDTT nước ta từ năm 1976 đến nay nhất là những năm gần đây đã và đang góp phần quan trọng bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; tăng cường nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; làm phong phú hơn đời sống văn hoá tinh thần cho nhân đân; tôn vinh dân tộc Việt Nam anh hùng; phục vụ tích cực công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Nhân kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, ghi nhớ công lao của Người đối với nền thể thao nước nhà, các thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, ngành TDTT nói riêng hôm nay và mai sau nguyện sẽ cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh như sinh thời Bác từng mong muốn.

AT

Print

Số lượt xem (6053)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.