Menu

Bình Định với công tác phát triển TDTT đến năm 2020

Bình Định với công tác phát triển TDTT đến năm 2020

13 Tháng Tám 2013

Bình Định với công tác phát triển TDTT đến năm 2020

Từ mục tiêu cụ thể...

Tính đến giữa năm 2013, toàn tỉnh có 29,3% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; 570 CLB TDTT cơ sở, hoạt động từ một đến nhiều môn thể thao; số trường học thực hiện TDTT nội khóa đạt 100%; số trường học thực hiện TDTT ngoại khóa đạt 65%; phong trào tập luyện và thi đấu TDTT trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ và người cao tuổi được duy trì và phát triển.

Các môn Thể thao mũi nhọn của tỉnh (chủ yếu là các môn võ) đã được chú trọng, việc đào tạo, tập huấn và thi đấu bước đầu đã có tính chuyên nghiệp cao; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT của tỉnh được đầu tư, nâng cấp nhằm đảm bảo việc tập luyện và tổ chức thi đấu. Đến nay, đã có 10/11 nhà tập đa năng của các huyện, thị xã, thành phố đưa vào hoạt động. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT bước đầu có những chuyển biến đáng kể, nhiều doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đã đầu tư kinh phí nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật, tài trợ, hỗ trợ tổ chức các giải thể thao.

Từ thực tế trên, để lĩnh vực TDTT của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ cũng như đi đúng định hướng, Bình Định đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể trong việc phát triển TDTT của tỉnh đến năm 2020: phấn đấu đến năm 2014 hoàn thành công tác chuẩn bị và xúc tiến đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh; đến năm 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục sân thi đấu bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, nhà thi đấu đa năng tiêu chuẩn quốc gia, sân quần vợt, khu thể thao dưới nước…

Phấn đấu đến năm 2015, mỗi huyện, thị xã, thành phố đều có sân vận động, nhà thi đấu thể thao đạt chuẩn; 35% số xã có trung tâm văn hóa thể thao xã, khu thể thao thôn đạt chuẩn Việt Nam (đến năm 2020 tăng lên 75%). Số trường học phổ thông có CLB, cơ sở vật chất, giáo viên và hướng dẫn viên phục vụ TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2015 đạt 75% và đến năm 2020 đạt 80%; đưa các môn bơi lội và võ cổ truyền vào chương trình ngoại khóa đối với học sinh THCS và THPT.

Đối với thể thao thành tích cao, đến năm 2020, ưu tiên đầu tư các môn: Bóng đá, Võ cổ truyền, Quyền Anh, Vovinam, Taekwondo, Điền kinh, Cờ tướng, Cờ Vua… Số VĐV được tập trung đào tạo ở tuyến năng khiếu từ 800-900 VĐV; tuyến trẻ 200 VĐV; tuyến đội tuyển 250 VĐV. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014 (đạt 12-15 HCV, xếp hạng 15-20 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc); tương tự là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018 (đạt 15-20 HCV, xếp hạng 15-20); đóng góp nhiều lượt VĐV vào các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia.

... đến quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra về định hướng phát triển TDTT tỉnh Bình Định đến năm 2020, Bình Định luôn xác định rằng: cần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng; nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, huấn luyện, đào tạo; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước.

Ngoài ra, để công tác triển khai và thực hiện Nghị Quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020" được hiệu quả, BTV Tỉnh ủy - Bình Định vừa mới ban hành chương trình hành động số 16-CTr/TU nêu rõ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển TDTT đến năm 2020. Trong đó, điểm nhấn của chương trình hành động chính là nhóm các giải pháp thực hiện như: các sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh thường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TW đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, xây dựng triển khai chương trình hành động và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị Quyết, tỉnh sẽ xây dựng các văn bản pháp luật phù hợp với việc đổi mới cơ chế, chính sách hoạt động của ngành TDTT trong tình hình mới.   

Song, thực tế cho thấy hiện nay Bình Định còn yếu về cơ sở vật chất phục vụ thi đấu và tập luyện thể thao cho các VĐV cũng như người dân. Hầu hết, các công trình thể thao trên địa bàn tỉnh đều đã xuống cấp, lạc hậu, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, tập luyện của VĐV cũng khá cũ kỹ. Do đó, cần tăng cường, đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Về điều này, ông Đinh Khắc Diện - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Định chia sẻ: Nếu tỉnh được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn, ngoài việc nâng cao thành tích của các đội tuyển, Bình Định còn có thể vận động đăng cai các sự kiện thể thao lớn để thúc đẩy phong trào rèn luyện TDTT trong quần chúng nhân dân… Bình Định đang vận động giành quyền đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc năm 2022 nên việc chuẩn bị xây dựng các công trình phục vụ sự kiện này rất cần thiết. Do đó, việc tính toán, phân kỳ đầu tư để đem lại hiệu quả cao nhất, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh là điều cần được lưu tâm. Đồng thời, việc thực hiện các nhiệm vụ kể trên cần quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.

Đối với những mục tiêu trước mắt, đặc biệt là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, Sở VHTTDL đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thể thao trực thuộc đến cuối năm 2013 phải thành lập được các đội tuyển chuẩn bị tham gia Đại hội. Từ đó, Sở sẽ có kế hoạch cụ thể trình UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho các VĐV được tập huấn, chuẩn bị tối thiểu 6 tháng trước khi Đại hội chính thức diễn ra nhằm nâng cao chất lượng tập luyện, tăng cường thi đấu cọ xát để đạt được thành tích cao nhất.

N. H

Print

Số lượt xem (637)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.