|
Cơ sở vật chất tại trường Tiểu học Đại Nài - Hà Tĩnh (Ảnh: T.Hường) |
Qua khảo sát, đoàn ghi nhận, 2 trường được kiểm tra đều là những trường có hệ thống cơ sở vật chất tốt, đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ, tâm huyết. Nếu so sánh với một trong số trường Tiểu học tầm trung tại thủ đô hay các thành phố lớn trên cả nước, trường Tiểu học Đại Nài - Thành phố Hà Tĩnh có thể còn vượt xa rất nhiều với một cơ ngơi khang trang bề thế: diện tích 8.000m2, gồm 15 phòng học, đầy đủ các phòng chức năng với trang thiết bị hiện đại; hệ thống camera âm thanh hai chiều theo dõi tất cả các phòng học và phòng chức năng, hệ thống máy chiếu đa năng, máy photocopy, phòng máy vi tính, phòng ăn, khu tập luyện thể dục thể thao nội, ngoại khóa... đảm bảo tốt cho công tác quản lý và giảng dạy, đáp ứng kịp với nhu cầu học tập của con em phụ huynh trên địa bàn và một số vùng lân cận.
Chia sẻ tại cuộc họp, Ban chỉ đạo Đề án 641 tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Phạm vi Đề án được thực hiện trong toàn tỉnh và trọng điểm ở 4 huyện, thị xã, thành phố: Thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Thạch Hà. Các trường sau khi nhận được công văn đều rất vui mừng và vinh dự khi được chọn là trường thí điểm thực hiện Đề án. Tuy nhiên, bên cạnh những trường đạt tiêu chuẩn vẫn còn một số trường có điều kiện khó khăn, chưa đáp ứng được một số tiêu chí theo Ban điều phối Trung ương yêu cầu. Vì vậy, việc trang bị hệ thống cơ sở vật chất cho các trường này cũng cần được quan tâm ngay từ bây giờ.
|
Đoàn khảo sát thăm và khảo sát tại trường Tiểu học Đại Nài - Hà Tĩnh (Ảnh: T.Hường |
Trên thực tế, Đề án đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay mới có những động thái triển khai như thế là đã chậm hơn rất nhiều so với thời gian quy định. Việc xây dựng dự toán kinh phí đến thời điểm này nếu không có những hướng dẫn kịp thời khó có thể đưa vào chi phí năm 2014… Những khó khăn, khúc mắc về thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, văn bản này không chỉ cản trở Hà Tĩnh nói riêng mà còn rất nhiều các địa phương khác nói chung trong việc triển khai Đề án.
Vì vậy, để Đề án đi vào đời sống người dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam, hơn lúc nào hết các cơ quan ban ngành, từ trung ương đến địa phương phải nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án và một điều đặc biệt là phải có niềm tin vào kết quả mà Đề án sẽ đạt được nhằm mang lại sự đồng thuận từ ngay lúc này.
Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 tỉnh Hà Tĩnh, gồm: ông Nguyễn Thiện – Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban; ông Võ Hồng Hải – Giám đốc Sở VH,TT&DL, Phó ban thường trực; bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó giám đốc Sở Gíao dục & Đào tạo, ủy viên; ông Nguyễn Tuấn – Phó giám đốc Sở Y tế, ủy viên; ông Lê Văn Lượng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ủy viên; bà Phùng Thị Nguyệt, Phó giám đốc Sở Tài chính, ủy viên; ông Phan Tấn Linh, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, ủy viên; bà Lê Thị Mai Hoa, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh&Xã hội, ủy viên.
Thùy Anh