|
Hệ thống CSVC dành cho TDTT còn nghèo nàn (Ảnh: TH) |
Mục đích chuyến đi nhằm nắm bắt tình hình hoạt động của Ban chỉ đạo địa phương, thực trạng hoạt động thể dục thể thao, công tác giáo dục thể chất, hoạt động y tế, dinh dưỡng trong hệ thống trường học của địa phương; các kiến nghị, đề xuất của địa phương; Trao đổi, giúp đỡ địa phương xây dựng kế hoạch triển khai đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 và đề nghị địa phương góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đề án.
Suốt 7 tiếng đồng hồ xe chạy từ Hà Nội lên Hà Giang, tôi đã thức cùng bác tài đôi lúc để trò chuyện cho bác tỉnh táo song cũng là để ngắm những cung đường lượn theo sườn núi, tựa như chú rắn đang uốn mình tắm nắng, thấp thoáng lại có vạt hoa rừng lúc tím, lúc trắng giữa bạt ngàn một màu xanh của núi rừng...
Đến cửa ngõ của thành phố Hà Giang, trời ngả về chiều. Khói từ những nếp nhà xa xa trên sườn núi bồng bềnh như mây, gieo vào lòng người một cảm giác yên bình và ấm áp. Nhưng sự đổi thay dễ thấy nhất so với 6 năm trước khi lần đầu tiên tôi đặt chân lên vùng đất này, mà có lẽ tôi vẫn muốn nó như xưa ấy chính là quy định rửa xe trước khi vào thành phố đã không còn. Song với sự trân trọng và yêu quý mảnh đất địa đầu cực Bắc, đoàn tôi vẫn đỗ lại rửa xe.
Sáng dậy sớm, ăn sáng ở một trong những con phố sầm uất nhất Hà Giang, tôi tình cờ gặp một người bạn học. Vui mừng, ngỡ ngàng chưa hết, kỷ niệm thời đại học ùa về, chúng tôi hỏi thăm nhau tíu tít…Mừng cho bạn đã có được gia đình nhỏ, được làm đúng ngành nghề mình yêu thích và được sống tại Hà Giang – một tỉnh miền núi đang thay da đổi thịt.
8h, đoàn chúng tôi đến Sở VHTTDL, đơn vị hành chính, chịu trách nhiệm điều hành, điều phối mọi hoạt động thuộc lĩnh vực thể dục thể thao, văn hóa, du lịch của tỉnh. Trong bảng thành tích trên lĩnh vực thể dục thể thao, Hà Giang đã được nhận nhiều danh hiệu, bằng khen của Nhà nước, của Bộ VHTTDL và của UBND tỉnh.
Tuy là miền đất có nhiều lợi thế, được thiên nhiên ưu đãi, nhưng do hậu quả của chiến tranh, kinh tế chậm phát triển nên người dân sinh sống nơi đây còn nghèo, không có điều kiện để tập luyện thể thao, đặc biệt là hướng con em mình theo thể thao đỉnh cao.
Năm 2012, đoàn VĐV của tỉnh tham gia 13 giải thi đấu khu vực, toàn quốc, đoạt 25 huy chương các loại, trong đó có 3 HCV, 7 HCBvà 15 HCĐ. Trong số VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh đó có 3 VĐV được phong cấp Kiện tướng, 13 được phong VĐV cấp I quốc gia. Từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Giang có trên 70 VĐV đang tập huấn, ở các môn như:: Wushu, Penkatsilat, Vovinam, Bóng ném nữ, Vật...Tham gia giải Cúp quốc gia Vật cổ điển, Vật tự do toàn quốc tại Thái Nguyên đoạt 3 HCĐ; giải Vô địch Wushu toàn quốc tại Quảng Ngãi đoạt 2 HCĐ; giải Cúp CLB Bóng ném toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh đoạt HCĐ; giải Cúp quốc gia Penkatsilat tại Hà Tĩnh đoạt 1 HCĐ...
|
Sau khi làm việc với Ban chỉ đạo đề án nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam của tỉnh, đoàn đã có chuyến khảo sát tại trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Thủy để nắm bắt thực trạng cơ sở vật chất nơi đây. Và để có được những thông tin cần thiết phục vụ cho việc chọn mẫu trường học thí điểm (7 trường, mỗi cấp học 2 trường, 1 trường PTTH). Vì đối tượng của đề án là thiếu nhi, từ mẫu giáo cho đến 18 tuổi, nên công tác điều tra, khảo sát phải thực sự cẩn trọng và chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian.
Có diện tích 52,16km2, dân số vào khoảng trên 1.500 người, gồm nhiều thôn, bản như: Giang Nam, Cóc Nghè, Thanh Sơn, Nà Toang, Nặm Ngặt, Nà Sát, Lùng Đóc, Thanh Thủy có địa hình hiểm trở, tình trạng sạt lở vào mùa mưa diễn ra triền miên khiến việc đi lại, học tập của các em vì thế cũng ảnh hưởng nhiều. Tuy là trường có hệ thống csvc tốt nhất nơi đây, nhưng THCS dân tộc nội trú Thanh Thủy vẫn rất nghèo nàn, lạc hậu; chỗ học tập, ăn ngủ và đặc biệt là cơ sở vật chất cho tập luyện TDTT còn đơn sơ, thiếu thốn; những trò chơi phổ biến của các em sau những giờ học là ô ăn quan, chạy, nhảy…
Chia sẻ với đoàn, một cán bộ Y tế của tỉnh cho biết: Đời sống khó khăn nên trẻ em nơi đây chưa được quan tâm, chăm sóc đến nơi đến chốn như ở các huyện đồng bằng. Ngay từ khi mới sinh ra đã bé nhỏ, qua một tuổi cứ 10 cháu thì có 3-4 cháu bị suy dinh dưỡng. Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình lao vào kiếm tiền. Vì thế, gửi được con đi học đã là cả một sự cố gắng hết sức; cho con ăn no đã khó, đảm bảo dinh dưỡng, vui chơi, tập luyện thể thao còn khó hơn.
Trò chuyện cùng em học sinh lớp 6 của trường, chúng tôi được biết: Nhà e có 5 người, bố mẹ ngày nào cũng đi làm đến tối mới về; chị gái 16 tuổi đã phải bỏ học để đi chăn trâu và ở nhà trông em. Bản thân em cũng ít khi được về nhà vì đường xa. Hơn nữa, “ở trường còn có thịt để ăn, chứ về nhà thì một tháng chỉ được ăn thịt từ 1, 2 bữa vào đúng ngày rằm, mùng 1 thôi”.
Tạm chia tay Thanh Thủy, Hà Giang với nhiều ấn tượng về mảnh đất, con người nơi đây. Xe chúng tôi nhập vào cung đường 4C – con đường trập trùng, kỳ ảo với nhiều khúc cua tay áo hơn cả trong suy nghĩ mà chỉ có những bác tài “già lái” mới đủ tự tin để vượt hàng trăm cây số. Xe mỗi lúc một lên cao, tôi cũng như chìm vào trong giấc ngủ với hình ảnh lướt qua của những bông hoa mua tím sắc. Bất giác tỉnh giấc, mình đã ở phố núi Cao Bằng!...
6h30 tối ngày 29/8, đoàn khảo sát được Ban chỉ đạo đề án tỉnh Cao Bằng mời cơm thân mật. Không khí buổi gặp mặt diễn ra ấm áp, cởi mở với sự có mặt của đồng chí Trần Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Văn xã và cũng là Trưởng ban chỉ đạo đề án; đồng chí Hà Văn Hiển- Giám đốc Sở VHTTDL, Phó Trưởng ban thường trực chỉ đạo đề án.
Những câu chuyện về mảnh đất, con người Cao Bằng đã làm buổi gặp mặt thêm rộn rã tiếng cười. Và ở đó cũng không quên những câu chuyện, sự trao đổi thân tình về tầm vóc, thể lực con người Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo đồng chí Hà Văn Hiển, cái khó nhất bây giờ lại không phải vấn đề kinh phí, bởi khi đã là đề án cấp quốc gia được phê duyệt, có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn thì chắc chắn sẽ được tạo mọi điều kiện. Dù có là kinh phí của địa phương hay trung ương thì vẫn là kinh phí của nhà nước nên đề án đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành.
Vấn đề nguồn lực mới thực sự là bài toán hóc búa. Làm sao để có thể kết hợp các nguồn lực sẵn có của địa phương, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa đề án vào đời sống người dân một cách nhanh nhất là trách nhiệm của cả trung ương và địa phương.
Việc cải thiện, nâng cao thể lực, tầm vóc cho con em là điều mà bất cứ phụ huynh, tổ chức giáo dục, xã hội nào cũng mong mỏi làm được. Tuy mới được triển khai từ đầu năm nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy đông đảo người dân đang rất quan tâm.
Với điều kiện hiện nay ở Cao Bằng, việc này vấp phải nhiều trở ngại, vì yêu cầu dinh dưỡng theo tiêu chuẩn quy định cao hơn rất nhiều so với thực tế đời sống của các hộ dân; hệ thống đất dành cho thể thao nhiều nhưng cơ sở vật chất lại không được đầu tư, trong khi ngân sách của tỉnh không đủ để hỗ trợ cho các chương trình, đề án. Trong bối cảnh ấy, hơn bao giờ hết, Cao Bằng rất mong các bộ, ngành trung ương cũng như các chủ đầu tư, doanh nghiệp cùng vào cuộc giúp sức để tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách nhằm huy động được các nguồn lực xã hội tìm giải pháp tối ưu cho vấn đề này.
Qua câu chuyện của đồng chí Giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng, chúng tôi đã cảm nhận được những trăn trở, suy tư và tình cảm của những người làm công tác thể thao và đặc biệt là dành cho đề án. Những khó khăn mà phía Ban chỉ đạo tỉnh Cao Bằng nêu ra cũng chính là mục đích mà đoàn chúng tôi cần nắm bắt cụ thể để có báo cáo kịp thời với Ban chỉ đạo trung ương.
Kết thúc chương trình, đồng hồ điểm 22h, cả đoàn lên xe về nghỉ ngơi, giữ sức khỏe cho buổi sáng hôm sau đi Lễ đền thờ Bác Hồ, thăm hang Pác Bó, suối Lê Nin. Tổng kết một chuyến công tác bận rộn, thu được những kết quả tích cực với nhiều hoạt động thật sự có ý nghĩa…
Xuân Nhi