Arnis (Võ gậy) là môn thể thao truyền thống của Philippines. Trong hai lần đang cai SEA Games (16 và 23), Philippines đều đưa Arnis vào nội dung thi đấu với mục đích giành hầu hết những tấm HCV từ môn thể thao này. Tuy nhiên, tại SEA Games 23, đội tuyển Arnis Việt Nam đã chứng tỏ mình khi giành tới 3 HCV. Giải Vô địch thế giới Võ gậy (cuối tháng 12/2005), đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành ngôi vô địch toàn đoàn với thành tích 9 HCV và 2 HCB. Đó là một điều hết sức có ý nghĩa, khẳng định tiềm năng phát triển thể thao của người Việt Nam đặc biệt ở những môn võ thuật. Bởi các VĐV Arnis của Việt Nam giành HCV đều được chuyển sang từ VĐV các môn võ khác và chỉ tập luyện trong thời gian ngắn trước SEA Games 23. Dẫu biết, người Việt Nam có nhiều tố chất tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển môn thể thao này, thế nhưng có đầu tư vào phát triển nó hay không lại là vấn đề rất cần được các nhà chuyên môn cân nhắc, sao cho hợp lý.
Đến thời điểm này, Arnis vẫn chưa có giải vô địch cho riêng mình ở cấp khu vực hay châu lục trong phạm vi Châu Á. Người dân Đông Nam Á rất lạ lẫm với môn thể thao này ngay cả khi nó có mặt tại SEA Games 23 (chỉ có 4 quốc gia tham gia thi đấu). SEA Games 23 kết thúc, việc tập luyện Arnis ở một số nước trong đó có Việt Nam cũng không còn tiếp tục nữa. Như vậy, việc phát triển môn thể thao còn mới mẻ đó đối với Đông Nam Á có phần chưa thích hợp trong thời gian này. Bởi nó sẽ không phù hợp với định hướng của Ngành như trong chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam từ năm 2005 đến 2015 và định hướng đến 2020 xác định: "Mục tiêu của thể thao thành tích cao là đẩy mạnh công tác đào tạo lực lượng VĐV trong các môn thể thao nằm trong chương trình ASIAD và Olympic..."
Với định hướng đó của Ngành thì việc đầu tư phát triển các môn thể thao truyền thống của một số nước trong khu vực là điều chưa cần thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, với khả năng của người Việt Nam thì phương thức "đi tắt đón đầu" áp dụng cho những môn thể thao như vậy sẽ hợp lý hơn rất nhiều.
HX