Menu

Cần đưa 1 điều về TDTT vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Cần đưa 1 điều về TDTT vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

03 Tháng Ba 2013

Cần đưa 1 điều về TDTT vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Hiến pháp năm 1992 có 2 Điều về TDTT là Điều 41 và Điều 43, cụ thể:

Điều 41: Nhà nước và xã hội phát triển nền thể dục, thể thao dân tộc, khoa học và nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao; quy định chế độ giáo dục thể chất bắt buộc trong trường học; khuyến khích và giúp đỡ phát triển các hình thức tổ chức thể dục, thể thao tự nguyện của nhân dân, tạo các điều kiện cần thiết để không ngừng mở rộng các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, chú trọng hoạt động thể thao chuyên nghiệp, bồi dưỡng các tài năng thể thao. 

Điều 43: Nhà nước mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực văn hoá, thông tin, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao.

Dựa trên nội dung gốc của Hiến pháp năm 1992, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong lĩnh vực TDTT đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Cần đưa TDTT vào quyền con người và trách nhiệm của nhà nước

Ông Đoàn Thao - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT: Với vai trò quan trọng của TDTT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, theo tôi, Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần bổ sung thêm thuật ngữ TDTT vào quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cụ thể ở Điều 41 cần bổ sung thành: Công dân có quyền được bảo vệ sức khoẻ, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế, TDTT và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và rèn luyện thể chất.

Điều 44 cũng nên sửa thành: Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá - thể dục thể thao, sử dụng các cơ sở văn hoá - thể dục thể thao, tiếp cận các giá trị văn hoá - thể dục thể thao.

Bên cạnh đó, Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần đưa thêm 1 Điều về TDTT vào Hiến pháp, Điều về TDTT nên đưa sau Điều 64, cụ thể là: Nhà nước và xã hội chăm lo phát triển nền TDTT dân tộc, khoa học và nhân dân nhằm giữ gìn sức khoẻ, nâng cao thể chất, tầm vóc thể lực người Việt Nam để xây dựng bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

TS. Trương Anh Tuấn - nguyênVụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ các vấn đề Xã hội Thể dục thể thao, Ban Tuyên giáo Trung ương: Nhà nước ta đã có 4 lần xây dựng Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), trong đó Hiến pháp năm 1980 và 1992 đều có quy định về TDTT. Vậy tại sao trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lại không có các điều quy định về TDTT. Trong khi đó, trong giai đoạn mới, vai trò và vị trí của TDTT vẫn còn nguyên giá trị, bởi thể thao không chỉ là giá trị văn hoá mà còn là giá trị chăm sóc, nâng cao sức khoẻ người dân, giáo dục thể chất. Từ những vai trò quan trọng của TDTT, tôi kiến nghị cần đưa các quy định TDTT vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Nếu đưa những quy định TDTT vào Hiến pháp thì nên đưa vào 2 phần:

Thứ Nhất, cần khẳng định quyền con người, theo đó có thể đưa quy định TDTT vào Điều 41 và Điều 44 theo ý kiến của TS. Đoàn Thao

Thứ Hai, cần đưa vào phần trách nhiệm của Nhà nước, theo đó nên đưa 1 mục TDTT vào sau mục 1 của Điều 62 của Hiến pháp. Nội dung của mục TDTT nên đưa vào là: Nhà nước và xã hội chăm lo phát triển nền TDTT dân tộc, khoa học và nhân dân.

PGS.TS.Lê Văn Xem - nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH TDTT Bắc Ninh: Từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công. Mỗi người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ, tức là cả nước mạnh khoẻ", chính vì vậy, dự thảo Hiến pháp mới cần phải đưa TDTT vào quyền và nghĩa vụ của người dân. Cụ thể: Các tầng lớp nhân dân Việt Nam có quyền sống và hưởng thụ một cuộc sống khoẻ mạnh, trường thọ, phát triển hoàn thiện về thể chất và tâm lý, có lối sống khoẻ mạnh để lao động sáng tạo.

Giáo dục thể chất là vấn đề quan trọng cần đưa vào Hiến pháp

Nhà giáo nhân dân Vũ Đức Thu: Giáo dục thể chất là một trong mục tiêu giáo dục toàn diện của Đảng và Nhà nước ta, và nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục thể chất là một lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) xã hội với nhiệm vụ là: “Phát triển toàn diện các tố chất thể lực, và trên cơ sở đó phát triển các năng lực thể chất, bảo đảm hoàn thiện thể hình, củng cố sức khoẻ, hình thành theo hệ thống và tiến hành hoàn thiện đến mức cần thiết các kỹ năng và kỹ xảo quan trọng cho cuộc sống”.

Theo tôi, ở Điều 66 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới chỉ quan tâm đến phần chữ chứ chưa quan tâm đến phần người, đó là việc chưa đưa TDTT vào giáo dục. Do vậy, tôi đề nghị, nên sửa mục 1 điều 66 của Hiến pháp thành: Phát triển giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

GS.TS.Lê Văn Lẫm - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH TDTT Bắc Ninh: Đảng và Nhà nước ta đã xác định đi lên CNXH phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Hiện nay, do yêu cầu của quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước và việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững thì việc đi lên bằng nguồn lực con người được coi là động lực chủ yếu, quyết định sự phát triển. Đảng ta luôn nhấn mạnh rằng "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thực chất là chiến lược phát triển con người, phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm đích cao nhất của mọi hoạt động".

Cái quý nhất của mỗi con người là sức khỏe và trí tuệ. Có sức khỏe tốt sẽ tạo điều kiện cho trí tuệ phát triển được tốt hơn và ngược lại. Và nói đến sức khỏe là phải gắn liền với TDTT như lời Bác Hồ đã dạy. Chính vì vậy, theo tôi, việc phát triển giáo dục phải theo hướng phát triển toàn diện cả về đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục.

Ông Đoàn Kim Phách - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao Việt Nam: Vấn đề giáo dục thể chất là vấn đề rất quan trọng trong đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Bởi giáo dục thể chất ảnh hưởng trực tiếp đến việc cải tạo tầm vóc, thể lực cũng như nâng cao sức khỏe của người Việt Nam. Như Bác Hồ đã dạy: "Việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công". Do vậy, theo tôi, cần đưa quy định giáo dục thể chất vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực, ngành thể dục thể thao đã có nhiều đóng góp vào thành công chung và trở thành một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống xã hội. Với vai trò và ý nghĩa quan trọng của TDTT, tất cả các nhà khoa học, nhà quản lý, các cán bộ, công chức, viên chức trong ngành TDTT và đông đảo người dân đều mong muốn vai trò của TDTT sẽ tiếp tục được đưa vào Hiến pháp sửa đổi 1992 như đã từng thể hiện rõ tại Hiến pháp 1992.

V.A (tổng hợp)

Print

Số lượt xem (874)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.