Menu

Cần sớm hoàn thiện đề án ban hành chính sách đối với thanh niên là VĐV đạt thành tích xuất sắc

Cần sớm hoàn thiện đề án ban hành chính sách đối với thanh niên là VĐV đạt thành tích xuất sắc

15 Tháng Mười Một 2013

Cần sớm hoàn thiện đề án ban hành chính sách đối với thanh niên là VĐV đạt thành tích xuất sắc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định: Thể thao lâu nay vốn được xếp vào loại hình nghề nghiệp đặc biệt bởi đặc thù về công việc và môi trường lao động. Hơn nữa, tuổi nghề của các VĐV thể thao còn nằm trong số những nghề nghiệp mà người lao động có tuổi nghề ngắn nhất.

Ông Tần Lê Minh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Tổng cục TDTT
báo cáo đề án trước Hội nghị (Ảnh: Y Trang)

Tính trung bình sự nghiệp thi đấu của VĐV thể thao chỉ kéo dài khoảng 10-15 năm. Thực tế nhiều năm qua, phần lớn các VĐV sau khi chia tay thể thao sẽ phải bắt đầu một công việc khác, trong khi các chế độ đãi ngộ, chính sách đặc thù như chế độ tiền công, tiền thưởng, chính sách hướng nghiệp chăm lo giải quyết việc làm cho VĐV khi giải nghệ còn nhiều bất cập, chưa phù hợp dẫn đến bản thân VĐV, gia đình, xã hội và dư luận chưa xem thể thao là một nghề nghiệp. Do đó, việc xây dựng để ban hành chính sách đối với thanh niên là VĐV đạt thành tích xuất sắc tại các Đại hội Thể thao quốc tế quan trọng là việc làm cần thiết, đặc biệt Thể thao Việt Nam đang trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. 

Báo cáo tổng quan về đề án, ông Tần Lê Minh - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Tổng cục TDTT, tổ trưởng tổ soạn thảo đề án đã nhấn mạnh: Có những bài học kinh nghiệm và con số được rút ra qua nhiều sự kiện thể thao quốc tế gần đây mà đoàn Thể thao Việt Nam tham dự đã cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế về thành tích của TTVN ở các đại hội lớn như Asiad, Olympic còn thấp là do cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực TTTTC còn thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt còn thiếu cơ chế, chính sách đầu tư, đãi ngộ một cách chuyên biệt đối với VĐV đạt thành tích xuất sắc...

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Y Trang)

Dựa trên kết quả nghiên cứu điều tra, khảo sát về đội ngũ VĐV thể thao trong độ tuổi thanh niên cùng một số yếu tố khách quan khác, đề án Ban hành chính sách đối với thanh niên là vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới chủ yếu tập trung vào một số đối tượng: là các VĐV Việt Nam trong độ tuổi thanh niên, có tuổi đời dưới 30, phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng; có thành tích thi đấu xuất sắc( giành huy chương tại các kỳ Olympic, Asiad, SEA Games và một số giải thể thao thế giới, châu lục trong các môn thể thao trọng điểm). Các đối tượng của đề án được phân ra thành 3 nhóm. Đề án cũng đề cập khá cụ thể về thực trạng Ban hành chính sách đối với thanh niên là VĐV xuất sắc ở nước ta (phần 1) và các yếu tố, tác động và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp (phần 2),.

Dự kiến, đề án Ban hành chính sách đối với thanh niên là vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới sẽ được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 và chia làm hai giai đoạn.

Tại Hội thảo, đề án đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích và thực tiễn từ các đại biểu tham dự là các nhà khoa học trong lĩnh vực TDTT và đại diện các Bộ, ban ngành liên quan. Trong đó, chủ yếu các ý kiến đều tập trung cho rằng: Tên của đề án nên có sự điều chỉnh hợp lý hơn - tức mở rộng đối tượng ưu tiên, hay đề án nên tập trung đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể chứ không nên quá tập trung vào phần chủ trương. Bởi theo các đại biểu, chủ trương về chế độ đãi ngộ đối với các VĐV đạt thành tích cao từ trước đã có, do vậy tổ soạn thảo nên rà soát lại các văn bản đó đã được ban hành để xây dựng đề án lần này tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp trong quá trình xây dựng đề án.   

Thay mặt tổ soạn thảo đề án, ông Tần Lê Minh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các đại biểu. Dự kiến, sau khi lấy ý kiến đóng góp từ Hội thảo lần này, Tổng cục TDTT sẽ sớm rà soát và hoàn tất đề án để sớm trình lãnh đạo Bộ VHTTDL phê duyệt.

N. H

Print

Số lượt xem (1005)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.