|
Trung tâm HLTT Cao cấp Hà Nội (Ảnh: Thể thiện) |
Trong 5 năm (2006-2010), mặc dù nền kinh tế đất nước có những biến động do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng nguồn lực về vốn dành cho đầu tư phát triển toàn xã hội vẫn được huy động với khối lượng không nhỏ. Trong đó, đầu tư xã hội cho ngành VH,TT&DL đều tăng qua các năm, đạt tốc độ bình quân hàng năm là 23,6%, chiếm tỷ trọng bình quân là 1,6 trong tổng đầu tư toàn xã hội. Riêng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch cũng có bước tăng đáng kể, tỷ trọng bình quân là: 2,5% (ngành Văn hoá Thông tin), 0,7% (ngành TDTT) và 0,6% (hạ tầng du lịch).
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2006-2010, đầu tư phát triển cho ngành TDTT không ngừng tăng qua các năm. Cụ thể: 0,7 nghìn tỷ đồng (2006), 0,8 (2007), 0,9 (2008), 1,1 và 1,2 nghìn tỷ đồng (2010). Theo đó, từ năm 2006-2009, hệ thống cơ sở vật chất dành cho lĩnh vực TDTT cũng không ngừng tăng: số sân vận động có mái che trên cả nước tăng từ 197 lên 253 sân vận động; số Nhà thi đấu có mái che tăng từ 219 lên 379 nhà, số bể bơi có mái che từ 93 lên 110 bể; số sân bóng đá không có mái che tăng từ 8.539 sân lên 10.374 sân; số sân bóng chuyền không có mái che tăng từ 22.305 sân lên 25.375 sân; số bể bơi không có mái che là tăng từ 432 lên 609 sân.
Từ chính sách đầu tư trên cùng với những kết quả đạt được của chính sách đầu tư đã giúp cho phong trào TDTT quần chúng cũng như Thể thao thành tích cao có điều kiện phát triển. Phong trào TDTT quần chúng không ngừng được đẩy mạnh ở phạm vi toàn quốc, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về trang thiết bị, cơ sở vật chất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lạc hậu, người khuyết tật... đã tạo sự bình đẳng về cơ hội, điều kiện tập luyện TDTT cho mọi người dân. Hệ thống các giải thi đấu thể thao từ phong trào đến đỉnh cao được quan tâm xây dựng. Bên cạnh đó, Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tập huấn VĐV thể thao và tổ chức thi đấu toàn quốc tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Công tác đào tạo, huấn luyện lực lượng VĐV năng khiếu, VĐV thành tích cao ở nhiều lứa tuổi được triển khai có hệ thống...
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, chính sách đầu tư trong lĩnh vực TDTT đang gặp phải một số những thách thức đó là: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực TDTT tuy có tăng, nhưng chiếm tỷ trọng thấp (chưa đến 1%) trong khi đó, nhu cầu đầu tư là rất lớn. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2010 - 2020, ngành TDTT cần có sự đầu tư đáng kể về hạ tầng cơ sở (các công trình thể thao quốc gia), phục vụ cho việc đăng cai các giải đấu khu vực như: Asiad 19... thế nhưng đây cũng chính là giai đoạn mà ngân sách nhà nước phải gánh vác nhiều nhiệm vụ nặng nề, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực, khu vực trọng điểm để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Do vậy, việc điều chỉnh chi đầu tư của ngân sách nhà nước tăng cho lĩnh vực TDTT là rất khó khăn.
Việc khai thác, sử dụng các công trình thể thao sau đầu tư chưa thực sự đem lại hiệu quả cao, thậm chí gây lãng phí (tình trạng nợ đọng vốn, khai thác và sử dụng không liên tục, dẫn tới công trình bị xuống cấp...). Công tác xã hội hoá trong các hoạt động TDTT đã được khuyến khích, tạo điều kiện, tuy nhiên hiện cò gặp rất nhiều khó khăn, do đây là các lĩnh vực đầu tư khó hoàn vốn, nhu cầu vốn lớn, lợi nhuận thấp...
Để khắc phục tình trạng trên, cần có sự định hướng đúng đắn và những giải pháp đầu tư tạo bước phát triển cho sự nghiệp TDTT nước nhà, ông Trần Quốc Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động, Văn hoá, Xã hội - Bộ Kế hoạch đầu tư cho rằng: Hiện nay, chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê đuyệt. Do đó, trước hết ngành TDTT tập trung triển khai và thực hiện triệt để các mục tiêu, định hướng và các giải pháp đã nêu trong chiến lược. Trong đó, một số định hướng và giải pháp chính liên quan đến huy động nguồn lực phục vụ cho phát triển TDTT như:
Tăng cường có trọng tâm, trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành TDTT theo hướng hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ Thể thao thành tích cao, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn đăng cai, tổ chức các Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới.
Ban hành quy định về quy hoạch xây dựng các cơ sở TDTT; quy hoạch cơ sở vật chất, kỹ thuật TDTT quốc gia đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật TDTT quần chúng ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư và phát triển TDTT học đường; tiếp tục thực hiện xã hội hoá TDTT; mở rộng, sản xuất kinh doanh và dịch vụ TDTT; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho phát triển TDTT.
VD