Dự họp còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải – Phó trưởng ban cùng các đồng chí ủy viên Ban điều phối, Văn phòng Ban điều phối, chủ nhiệm 4 chương trình và đại diện các bộ, ngành liên quan.
Đã gần 2 năm, kể từ khi Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt bút ký Quyết định về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030, với sự ra đời của Ban điều phối vào tháng 5/2012, có thể nói việc triển khai các nội dung của đề án giai đoạn ban đầu diễn ra còn chậm.
Nguyên nhân được xác định do cả những yếu tố chủ quan và khách quan, như: chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, chưa tạo được sự chuyển biến về mặt nhận thức cũng như phối hợp trao đổi thông tin, hoạt động giữa các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức trong xã hội; trụ sở Văn phòng Ban điều phối chưa ổn định, thiếu kinh nghiệm trong soạn thảo văn bản.. dẫn tới một số công việc chưa thực hiện được theo tiến độ đã đề ra.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu Văn phòng Ban điều phối gấp rút tiến hành các công việc, đảm bảo đề án được phê duyệt và cấp ngân sách hoạt động theo đúng tiến độ (trước tháng 6/2013). Những nhiệm vụ cụ thể gồm: Tổ chức Hội nghị triển khai đề án tại 3 miền: Bắc – Trung – Nam; Xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030”; Trình duyệt kế hoạch kinh phí cụ thể của đề án năm 2013; Tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án của địa phương; Ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện đề án trên phạm vi cả nước; Quản lý, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện đề án trong phạm vi cả nước; Tổ chức đoàn cán bộ khảo sát, học tập kinh nghiệm, ký kết hợp tác với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan trong khuôn khổ đề án tổng thể.
Theo ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Hầu hết các đề án sử dụng vốn ngân sách hay một phần ngân sách đều chậm trễ trong thủ tục văn bản, hành lang pháp lý. Điều này cũng dễ hiểu, bởi những quy định chặt chẽ trong các văn bản về tài chính không phải ai cũng nắm rõ; nhưng nếu đã hiểu, đã làm đúng thì lại rất dễ dàng. Đề án tổng thể nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam cũng vậy, chúng ta phải biết xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, chính xác theo từng giai đoạn; những con số, hạng mục công việc khi đưa ra phải bám sát thực tế và yêu cầu của đề án, có sự tham mưu của những cán bộ chuyên trách về tài chính để đảm báo tính chính xác và khả thi. Có như vậy mới mong đảm bảo tiến độ đã đề ra và đảm bảo cả nguồn ngân sách hoạt động.
Thùy Anh