|
Đại diện Viện dinh dưỡng quốc gia Báo cáo chương trình 2 (Ảnh: TT) |
Đề án nêu rõ: mỗi cá thể đều có 3 giai đoạn tăng trưởng tuyến tính: giai đoạn thơ ấu (dưới 1 tuổi), trẻ nhỏ (1 – 5 tuổi) và vị thành niên (10 – 18 tuổi). Người ta cũng ghi nhận rằng, có hai thời kỳ tốc độ tăng trưởng của trẻ đạt cao nhất; đó là những tháng đầu của thời kỳ thơ ấu và tuổi vị thành niên. Nhìn chung các nước đang phát triển, đặc biệt các nước Châu Á, bao gồm cả Việt Nam, tình trạng suy dinh dưỡng, còi cọc xảy ra ngay từ nhóm sơ sinh và thường tiếp tục xảy ra với các nhóm lớn hơn, thậm chí nó tồn tại dai dẳng qua nhiều thế hệ. Do đó việc phòng chống suy dinh dưỡng cho từng giai đoạn của vòng đời trở nên vô cùng cần thiết và cấp bách. Đầu tư xuyên suốt vòng đời sẽ mang lại lợi ích không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội.
Chính vì vậy Chương trình 2 “chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan” cho nhóm đối tượng từ 3-15 tuổi đã được Hội đồng khoa học đánh giá cao về tình cấp thiết và khả thi.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật mà Đề án mang lại, thành viên Hội đồng khoa học, các chuyên gia, khách mời đã đóng góp thêm cho Đề án, cụ thể: Mục tiêu nên bám sát vào chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu lớn: Cải thiện về số lượng và chất lượng khẩu phần ăn của trẻ em tuổi mầm non, học sinh tiểu học; Hạ thấp tỷ lệ thiếu dinh dưỡng và cải thiện tăng trưởng ở trẻ em mầm non, tiểu học trong các vùng có chương trình; Nâng cao, cải thiện kiến thức thực hành dinh dưỡng cho giáo viên và phụ huynh.
Còn mục tiêu 4 và 5 (Chủ động kiểm soát, khống chế sự gia tăng thừa cân, béo phì; Giảm tỷ lệ bỏ học của học sinh tiểu học chưa thực bám sát với đề án nên ko nhất thiết phải đưa vào mục tiêu khiến phạm vi đề án quá rộng, khó tiến hành - GS.TS Lê Quý Phượng).
Cùng với đó, các chỉ tiêu đánh giá cũng cần cụ thể rõ ràng để thấy rõ được sự biến đổi trước và sau quá trình tác động; Trong quá trình tác động nên cắt bỏ khâu sản xuất thực phẩm vì như vậy rất tốn kém, không cần thiết mà chưa chắc đã đem lại hiệu quả.
Với 5/5 thành viên Hội đồng có mặt tại buổi bảo vệ bỏ phiếu tán thành, Đề án đã được thông qua và sẽ sớm được chỉnh sửa hoàn chỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiến độ triển khai của đề án.
Thùy Anh