 |
Buổi làm việc giữa Ban điều phối với tỉnh Thái Bình (Ảnh: Thuỳ Anh) |
Từ ngày 6 - 9/11, các thành viên Văn phòng Ban điều phối: ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó chủ nhiệm Chương trình 3; Trần Quang Vinh – Phó Giám đốc Văn phòng Ban điều phối; ông Nguyễn Hoàng Thụ, Hoàng Công Dân – chuyên gia: đã làm việc với 3 tỉnh là: Hải Phòng, Thái Bình và Thanh Hóa với nội dung khảo sát gồm:
1. Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh/thành phố
2. Việc lựa chọn mẫu triển khai thí điểm của địa phương;
3. Tiêu chí chọn trường học (có đất hoặc sân rộng để đảm bảo xây dựng sân chơi đa năng, bể bơi, nhà tập; có sân bóng đá và một nhà tập hoặc bể bơi với trường THCS; ưu tiên các trường ngoại thành, nông thôn, miền núi nằm trong vùng dân cư có mức sống trung bình, mật độ dân cư trung bình, giao thông đi lại tương đối thuận tiện, không nằm trong vùng thường xuyên bị lũ lụt; các chương trình chăm sóc sức khỏe đã và đang được thực hiện tại trường; chương trình về mắt, răng – hàm – mặt, phòng chống suy dinh dưỡng, sữa học đường, chương trình phòng chống dị tật, chấn thương, trường có thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe và dinh dưỡng không, trong nội khóa hay ngoại khóa? có thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho học sinh hàng năm? tỷ lệ bệnh tật của học sinh, tỷ lệ suy dinh dưỡng, béo phì…).
 |
Buổi làm việc của Ban điều phối tại Hải Phòng (Ảnh: Thuỳ Anh) |
4. Về nội dung hoạt động nội ngoại khóa TDTT: Trong chương trình dự kiến đưa một số bài tập thể dục kéo giãn cơ thể vào chương trình nội khóa. Chương trình chủ yếu phát triển TDTT ngoại khóa xây dựng các CLB TDTT nghiệp dư ở trường học. Học sinh mỗi trường có thể tham gia hoạt động 3-4 nội dung TDTT ngoại khóa (dự kiến phát triển các nội dung, các môn thể thao sau đây: Bóng đá, Đá cầu, Bóng bàn, Bóng bàn, Thể dục nhịp điệu, chạy và leo núi, Vovinam, Võ thuật cổ truyền, một số nội dung thể thao dân tộc và một số bài quyền, trò chơi vận động giải trí, Bơi lội…Tiêu chí chọn nội dung là không yêu cầu phức tạp về công trình, thiết bị, dụng cụ TDTT, đáp ứng nhu cầu hứng thú của học sinh, tập vừa sức với những động tác hoạt động bản thân, hoạt động chi dưới, kéo giãn cơ thể, có thể tổ chức thi đấu thích hợp.
5. Về khả năng mở rộng mô hình trường thí điểm trong các năm sau khi triển khai đại trà: Dự kiến mở rộng mô hình thí điểm đạt 25 – 30% số trường học trong từng tỉnh, thành ở giai đoạn đầu của chương trình.
Về cơ bản, 3 địa phương trên đã thành lập được Ban chỉ đạo của tỉnh và phổ biến tình hình, nội dung triển khai tới từng thành viên cụ thể. Tuy nhiên, việc triển khai, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu như thế nào thì chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo các địa phương kiến nghị Ban điều phối cần có những công văn, hướng dẫn, thậm chí cung cấp những hướng dẫn viên, tình nguyện viên trực tiếp xuống cơ sở để việc triển khai đảm bảo chính xác, đúng tiến độ. Đồng thời, cũng cần tổ chức các buổi tập huấn theo từng chuyên để của Đề án để địa phương chủ động trong việc tổ chức, sắp xếp nhân sự.
Trên tình thần trách nhiệm và thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo, Ban điều phối trung ương và địa phương, các tỉnh, thành đã bày tỏ quan điểm ủng hộ, hoan nghênh và sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
Thùy Anh