Menu

Chuyện về những nữ VĐV nhảy cổ động

Chuyện về những nữ VĐV nhảy cổ động

10 Tháng Sáu 2013

Chuyện về những nữ VĐV nhảy cổ động

Là một trong những phương thức tiếp thị truyền thông xã hội được sử dụng nhiều những năm gần đây tại Việt Nam, bộ môn nhảy cổ động ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Nhiều bạn tìm đến bộ môn này ban đầu chỉ vì tò mò nhưng sau quá trình luyện tập đã trở nên đam mê và gắn bó sâu sắc hơn với nó. Loại hình thể thao kết hợp giữa nhảy, nhào lộn, xiếc, xếp tháp và đặc biệt là phải có tinh thần đồng đội cao đã đem lại không khí từng bừng, phấn khích không chỉ cho các VĐV tham gia thi đấu, các khán giả theo dõi trên khán đài mà dưới góc độ truyền thông, tiếp thị, các Nhà tài trợ cũng thu được những kết quả bất ngờ.

Có nguồn gốc tại Mỹ, ban đầu là những màn biểu diễn tại các giải Bóng rổ, Bóng bầu dục, dần dần nhảy cổ động đã trở thành môn thể thao chính thức có hệ thống giải đấu riêng và được tổ chức hàng năm cho cả chuyên nghiệp và nghiệp dư trên toàn nước Mỹ.

Không chỉ cần một cơ thể đẹp

Những VĐV trong bộ môn nhảy cổ động đa phần là nữ, có độ tuổi từ 18 – 30. Ngoài gương mặt khả ái, nụ cười tươi luôn thường trực trên môi, những nữ VĐV này phải có một cơ thể cân đối, không dị tật. Chiều cao là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tiêu chí xét tuyển của mỗi CLB, bởi tính đồng đều và tính thẩm mỹ trong đội hình đòi hỏi rất cao (thông thường ở Việt Nam từ 1,57m -1,70m).

Do tính chất của bộ môn này là biểu diễn đồng bộ các nhịp điệu sôi động, hòa với các pha bay nhảy, nhào lộn, xếp chồng tháp tập thể … nên các VĐV có thể xuất thân từ rất nhiều các môn thể thao khác nhau; từ các CLB nhảy, khiêu vũ thể thao, hoặc là các vũ công, VĐV Aerobic, diễn viên xiếc, cho đến các bạn được đào tạo từ trường múa…

Khi được tuyển chọn vào đội hình, các VĐV sẽ phải tập luyện chăm chỉ theo bài đã được biên đạo sẵn. Thông thường mỗi cá nhân sẽ phải tự tập những động tác đơn lẻ cho thuộc bài rồi mới ghép vào đội hình. Tùy thuộc vào mức độ khó dễ của bài biểu diễn mà các VĐV phải thực hiện tổ hợp các động tác theo mức độ, độ khó khác nhau. Song về cơ bản mỗi VĐV đều phải đáp ứng được thể lực cho một bài biểu diễn từ 5-7 phút với những động tác tay, chân, hông, bật nhảy, xoay người… Còn đối với những động tác khó như lộn, santo 2, 3 vòng trên không, xếp hình tháp, những động tác đòi hỏi độ dẻo của cơ thể thì phải tập luyện trong một thời gian dài và thông thường các vũ công, VĐV chuyên nghiệp sẽ đảm nhận phần này.

Điều đặc biệt của môn nhảy cổ động là các bài biểu diễn không cố định, luôn luôn thay đổi, hoặc tùy theo yêu cầu, “đơn đặt hàng” của đơn vị tổ chức; có thể nhấn mạnh tới yếu tố khỏe khoắn, sexy, mềm dẻo… để truyền tải thông điệp cũng như mục đích mà chương trình hướng tới.

Để có được một bài biểu diễn hấp dẫn, sôi động và cuốn hút, theo đúng yêu cầu của chương trình, các VĐV phải thực sự nhanh nhạy, tiếp thu nhanh các động tác mới, bắt nhịp và phối hợp tốt với đồng đội để thực hiện bài biểu diễn trôi chảy. Đối với những bài biểu diễn mang tính “thị trường”, phần biên đạo và nhạc đóng một vai trò rất quan trọng, người biên đạo bài diễn và nhạc sỹ phải nhạy bén với thị trường, biết được đâu là cái “gu” của đối tượng cần tác động mới có thể đem lại hiệu ứng từ bài cổ động.

Bạn Ngọc Ánh – thành viên của đội Saigon HotGirls – một trong những đội cổ vũ chuyên nghiệp bậc nhất Sài thành, đã có nhiều màn biểu diễn bắt mắt trong mùa giải Bóng rổ gần đây cho biết: “Nếu nhận được đơn đặt hàng cổ động cho một chương trình thể thao như giải Bóng rổ, đội tuyển sẽ xây dựng bài biểu diễn với nhiều động tác khỏe khoắn, mạnh mẽ, kết hợp với các động tác trườn dẻo trên sàn để tạo độ cân bằng cho bài biểu diễn. Thông thường để có từ 5-7 phút trên sân, các bạn phải tập rất vất vả, có tới hơn chục buổi, mỗi buổi từ 2-3 tiếng đồng hồ. Và nếu ráp bài chưa chuẩn, chưa đều thì lại tập lại”.

Nếu chỉ quan sát, ai cũng nghĩ thực hiện bài biểu diễn thật đơn giản, nhưng đây là một trong những môn thể thao tiềm ẩn nhiều chấn thương, đặc biệt nguy hiểm với những nữ VĐV. Chỉ lơ đễnh, không tập trung một chút thôi, có thể khiến người tập gặp nhiều rắc rối; không chỉ dừng lại ở việc bị trẹo mắt cá chân, giãn dây chằng, gãy xương, chấn thương phần mềm, mà còn có thể bị tàn tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong. Những chấn thương này xảy ra khi những người tham gia tập luyện thực hiện các động tác nhào lộn, bật nhảy, dựng tháp… Vì vậy, khi tập luyện cũng như biểu diễn tất cả các thành viên đều phải tập trung cao độ, chỉ cần một thành viên không đảm bảo sức khỏe, mất tập trung là coi như đứt một mắt xích, công sức của cả đội sẽ sôi hỏng bỏng không và gây nguy hiểm cho chính đồng đội của mình.

Khi được hỏi, vì sao biết đây là môn thể thao mạo hiểm mà vẫn dấn thân vào, vũ công có nickname Ellissa chia sẻ: “Đây là một loại hình rất thích hợp cho giới trẻ, vì nó mang lại sức khỏe và sự dẻo dai cho người tập. Hơn nữa, được biểu diễn trước hàng trăm, hàng nghìn khán giả, đem lại không khí vui nhộn cho sự kiện, bản thân mỗi người đều thấy mình có ý nghĩa hơn, như được đóng góp một phần công sức vào sự thành công của sự kiện đó. Do vậy, dù có tập luyện vất vả mọi người cũng đều rất vui. (cười) Nếu cẩn thận và tập đúng kỹ thuật thì tỷ lệ chấn thương sẽ giảm và không đáng lo ngại lắm.”.... (còn tiếp)

T.Hường

Print

Số lượt xem (1302)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.