Trải dài từ Bắc vào Nam, nhiều trường Cao đẳng, Đại học trên cả nước đã thiết lập đội cổ động, tham dự nhiều sự kiện, giải đấu trong nước và quốc tế. Các đội này hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau có cả chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và cả nghiệp dư. Ngoài việc tạo sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ, tham dự tranh tài ở những giải đấu, dưới một góc độ nào đó, nhảy cổ động được coi như một nghề có thu nhập khá với giới trẻ; tùy vào quy mô, tổ chức hay hợp đồng ký kết mà mỗi sự kiện, các VĐV nhảy cổ động được trả thù lao khác nhau.
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết, mỗi một bài biểu diễn tại sự kiện sẽ có chi phí hàng chục triệu đồng, chưa bao gồm chi phí trang phục, đạo cụ biểu diễn, biên đạo vũ đạo và nhạc. Nếu đó là một sự kiện game show với nhiều bài biểu diễn, biên đạo nhạc và vũ đạo là những người nổi tiếng trong nghề thì chi phí sẽ cao hơn. Còn ở những sự kiện có quy mô nhỏ hơn, chỉ mang tính cổ động thời điểm, chi phí sẽ thấp hơn (khoảng từ 8-10 triệu/bài biểu diễn với số lượng khoảng 15 hoạt náo viên). Nhưng nhược điểm của hình thức thuê sự kiện là các bài biểu diễn không theo ý của mình và tình trạng bỏ show là điều khó tránh khỏi.
Cũng có một hình thức nữa mà đa số các CLB, công ty áp dụng là ký kết hợp đồng độc quyền với những VĐV đó; có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. Với loại hợp đồng này, các hoạt náo viên xinh đẹp sẽ được nhận mức thù lao trung bình từ 5-6 triệu/ tháng.
Ưu điểm của hình thức này là các công ty chủ động nhận show biểu diễn mà không sợ hoạt náo viên bỏ show; chủ động hơn trong các bài biểu diễn, đáp ứng đúng nhu cầu mà đơn đặt hàng đưa ra. Ngoài ra, việc thực hiện các chương trình như: chụp hình quảng cáo, giao lưu với fan, hoạt động từ thiện… của chính những hoạt náo viên cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá thương hiệu cho công ty.
Kết thúc hợp đồng, các VĐV sẽ trở về với công việc chính của mình. Tuy không phải là nghề chính, nhưng theo chia sẻ của Nhật Vy, cô gái có nụ cười tươi và là một trong những VĐV xếp tháp tài ba thì nhảy cổ động có thể coi là nghề tay trái hái ra tiền.
Chia sẻ với chúng tôi Nhật Vy cho biết: “Em rất yêu thích công việc này. Mỗi trận đấu ra biểu diễn, với em không chỉ diễn cho khán giả xem mà còn như được thỏa niềm đam mê bao lâu theo đuổi. Được đem niềm vui và nụ cười cùng cả đội đến với sàn diễn là một niềm hạnh phúc của em. Mơ ước của em trong tương lai sẽ có một đội hoạt náo viên xinh đẹp của riêng mình!”
Có thể nói, tâm sự của Nhật Vy cũng như bao bạn trẻ khác đang hoạt động trong lĩnh vực này đã cho chúng ta thấy được cái nhìn đa chiều từ môn nhảy cổ động cũng như những suy nghĩ tích cực của giới trẻ về các hoạt động truyền thông tiếp thị xã hội.
Thuỳ Anh