|
Ông Phạm Hoàng Dương (Ảnh: T.Hường) |
Tôi cặm cụi tìm kiếm, hỏi han thông tin về ông khi giải đấu cuối cùng của năm diễn ra trên mảnh đất Quảng Ninh. Nghe nói những ngày này ông bận lắm và khó có thể gặp được ở giải đấu Cờ Tướng các đấu thủ mạnh. Phải nhờ sự hỗ trợ từ người đồng nghiệp tại địa phương, tôi mới liên lạc được với ông và tới được địa chỉ cần tìm. Một quán cà phê với không gian yên tĩnh nằm bên biển, khác hẳn con phố Trần Hưng Đạo tôi đi qua, người và xe chật cứng như nêm..
Ông là doanh nhân Phạm Hoàng Dương
Vừa kết thúc cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh, gặp tôi ngồi đợi đã lâu ông khá bất ngờ. Thế rồi nhâm nhi điếu thuốc, cốc trà, những câu chuyện chân tình, mộc mạc của nhà doanh nhân đã giúp tôi hiểu thêm về những gì ông đã làm trong suốt thời gian qua cho phong trào Cờ Quảng Ninh.
Cảm nhận đầu tiên của tôi là ông không muốn nói nhiều về mình. Những thông tin ông cung cấp như: sinh năm 1957 trong một gia đình có 5 anh chị em. Hiện nay đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Quảng Ninh; tốt nghiệp chuyên ngành: Kỹ sư xây dựng; Cử nhân Luật; Cử nhân chính trị, đã từng tham dự nhiều giải đấu Cờ Tướng và mê Cờ Tướng từ khi còn rất trẻ… đã khiến dự định ban đầu viết về một doanh nhân có nhiều đóng góp cho Cờ của tôi bị “phá sản”.
Bây giờ, dù bận “trăm công nghìn việc” khi điều hành Tập đoàn với 17 công ty thành viên với hàng ngàn cán bộ, công nhân viên…nhưng mỗi khi có dịp ông lại đến với CLB, bộ môn hay các giải cờ trên địa bàn để hàn huyên với anh em, chia sẻ những khó khăn vướng mắc của công tác phát triển phong trào trên địa phương rồi cùng nhau tìm hướng tháo gỡ. Đó cũng là những giây phút quý giá khi ông được sống với niềm đam mê đã theo đuổi bao năm nay, cũng như giúp ông sạc năng lượng để có thể vận hành tốt một Tập đoàn lớn hàng đầu về bất động sản tại Quảng Ninh.
Là một doanh nhân có tiếng, phê duyệt hàng trăm dự án lớn nhỏ với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng…, số tiền dành cho hoạt động phát triển cờ sẽ chẳng đáng là bao với một người có điều kiện và quan hệ như ông. Nhưng xây dựng hội, CLB hay Liên đoàn tỉnh sao cho ổn định, bền vững lâu dài mới là điều khiến ông trăn trở. Ông nói: từ những ngày đầu, khi Liên đoàn Cờ Quảng Ninh được thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, bàn cờ, quân cờ cho đến bàn ghế đều là sự đóng góp của các anh em; vậy mà đến nay, Cờ Tướng Quảng Ninh đã đứng trong top 8 của giải quốc gia, Cờ Vua có nhiều VĐV hàng đầu như: Nguyễn Anh Dũng.. là cả một sự nỗ lực vượt bậc của những người yêu cờ trên mảnh đất này.
Qua đây, ông hiểu được nỗi lòng của những người trong giới chức cờ Quảng Ninh, luôn mong ngóng một ngày nào đó, phong trào Cờ Quảng Ninh sẽ thực sự khởi sắc và có nhiều kỳ thủ trong đội tuyển quốc gia, giành nhiều thành tích cho Cờ Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Hiềm nỗi, họ không biết phải bắt đầu từ đâu khi bài toán kinh tế bủa vây khắp hướng, đội ngũ HLV, VĐV đã mỏng, yếu về trình độ, lại không có được cơ chế, điều kiện phát triển thông thoáng. Và cũng từ đấy, ông cùng một vài người khác tự nguyện làm công việc “vác tù và hàng tổng”, đầy tính nhân văn, đó là tìm nguồn tài trợ từ những đơn vị, tổ chức, những mạnh thường quân để vực dậy phong trào, đào tạo VĐV cấp cao. Chỉ là cung cấp kinh phí để tập huấn, tổ chức giải đấu, nghe có vẻ như đơn giản với một người như ông, song làm việc ấy để có sự đồng thuận từ trên xuống dưới, tạo được sức mạnh tổng hợp từ xã hội cùng tham gia lại không hề đơn giản.
Ông chia sẻ: Mình cũng có thể tự bỏ kinh phí ra cho một vài VĐV đi tập huấn, tham gia các giải đấu quốc tế để cọ sát, học hỏi kinh nghiệm, hoặc thuê tổ chức một giải đấu phong trào, thỏa mãn sở thích, niềm đam mê của mình nhưng những việc làm đó chỉ nhất thời, không bền. Mình phải làm thế nào để huy động được nhiều nguồn đầu tư, quy tụ được nhiều đối tượng cùng tham gia từ khắp các huyện thị mới tạo được sức mạnh tổng hợp. Kinh phí là quan trọng, nhưng con người mới là yếu tố quyết định. Mình may mắn hơn những người khác, có điều kiện và các mối quan hệ để kêu gọi tài trợ, đầu tư nhưng nếu không có anh em đồng lòng từ trên xuống dưới, tất cả vì niềm đam mê và vì tương lai của Cờ Quảng Ninh thì “một cây làm chẳng nên non”.
Nhiều việc tưởng chừng như bình thường nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi nhớ chuyện hẹn lịch gặp, đợi ông, ban đầu người ta bảo cứ đến giải đấu này là gặp được ông. Rồi sau, nhờ hỏi mới biết cuối năm ông bận họp trung ương không đến được. Rồi mấy người cho số điện thoại, địa chỉ cơ quan làm việc và nói rằng đến đó tìm ai cũng biết. Nhưng ở vào vị trí như ông, có phải ai cũng gọi được điện, thế là lại phải nhờ người hẹn lịch cho đủ độ tin cậy; hẹn lịch xong rồi lại hẹn địa điểm…Chỉ có thiết lập cuộc phỏng vấn thôi còn phức tạp đến thế nữa là…
Hành trình của niềm đam mê
Hỏi ông chơi cờ từ khi nào, đã tham gia bao nhiêu giải đấu và gặp bao nhiêu người để thuyết phục cùng chung tay xây đắp Cờ Quảng Ninh ngày càng vững mạnh, ông ngồi trầm lắng, thả khói thuốc vào không gian: “ Quả thực tôi không nhớ nổi. Có lẽ lâu lắm rồi, từ ngày tôi còn học cấp 1, thấy các cụ gần nhà chơi thì mình cũng học, rồi yêu thích và đến khi là sinh viên thì đam mê thực sự. Sau này bận việc Công ty không có nhiều thời gian để chơi nhưng hễ biết có thi đấu ở đâu là tôi cũng cố gắng đến”.
Nghe ông kể về 2 lần vô địch Cờ Tướng tỉnh Quảng Ninh hay những lần mải chơi quên cả ăn; nhiều cuốn sách viết về cờ được ông trân trọng, cất giữ; những câu văn, câu thơ viết về cờ ông tâm đắc, hay như chính tấm ảnh đánh cờ với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được ông đặt ở một vị trí rất đẹp trong phòng làm việc và dặn dò cậu Phóng viên ảnh chụp cẩn thận, tôi hiểu ông quý cái “gia sản” của mình biết nhường nào.
Những kỷ vật ấy đã luôn theo ông trong bao năm nay, không chỉ gợi nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên về một góc riêng tư thầm lặng mà như còn nhắc nhở một phần trách nhiệm của ông với chính niềm đam mê của mình.
Giọng ông bỗng tươi tắn, có phải lúc nào cũng có điều kiện được chơi cờ đâu, nhất là thi đấu với Chủ tịch nước. Tôi may mắn được đánh cờ 2 lần với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; lần đầu tiên tôi thua 2/1 và sau khi bác Lương về hưu có dịp quay lại Quảng Ninh, tôi đã được tiếp cờ Bác một lần nữa. Và một kỷ niệm tôi cũng không thể nào quên là lần đánh cờ, bình thơ với tác giả cuốn “Thi kỳ song tuyệt” – Lê Kim Giao..
Khi được hỏi, giờ thời gian đâu ông dành cho cờ? ông Dương chia sẻ: Công việc bận rộn tối ngày, đúng là soán hết thời gian của tôi, tôi cũng ít thi đấu cờ hơn, nhưng không vì thế mà tôi rời xa nó. Thực chất làm kinh doanh cũng như chơi cờ, bạn phải tính được những biến của một quyết định cũng như học được cách xử lý khi thất bại và thành công. Những kiến thức, kinh nghiệm có được từ cờ đã giúp tôi rất nhiều trong việc kinh doanh hiện nay.
Và những nỗi niềm
Ông kể, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, biết nhiều chuyện, ngoài những khó khăn do khách quan gây ra, có cả những rào cản từ chính con người dù rằng không phải số lớn. Từng nghiên cứu nhiều mô hình phát triển phong trào cờ tại các địa phương, ông được biết có khá nhiều đơn vị làm tốt phong trào và thể thao thành tích cao bởi họ huy động và quy tụ được sức mạnh tổng hợp. Như chuyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa cờ đã được Liên đoàn cờ quán triệt nhưng việc thực hiện thì không đơn giản. Quảng Ninh đã từng bước vận động, kêu gọi sức người, sức của thành lập Liên đoàn Cờ Quảng Ninh để ổn định, điều hành hoạt động tuyến dưới. Đến nay, hầu hết các huyện, thị của Quảng Ninh đã có CLB, trải dài từ Móng Cái tới Cô Tô, thậm chí có những đơn vị có đến 2,3 CLB được thành lập.
Rồi kể đến là việc Ban chấp hành có 29 thành viên tham gia hoạt động tình nguyện không kinh phí, chỉ có đóng góp duy nhất là niềm đam mê cờ để cũng nhau xây dựng chiến lược phát triển lâu dài đâu phải là khó thực hiện?
Qua những câu chuyện với tôi, ông Hoàng Dương cứ đau đáu nỗi niềm, nhưng dường như ông không có một thoáng nào nghĩ về bản thân. Thật đáng ghi nhận. Tôi biết ông không phải không muốn tổ chức những giải đấu lớn, tài trợ để quảng bá tên tuổi Tập đoàn ở nhiều lĩnh vực khác nữa… Ông bảo, tiền không có nhiều, cũng phải đi kêu gọi ở nhiều nơi, xin chủ trương vất vả lắm nên mình phải sử dụng cho hiệu quả, cho đúng mục đích, đặc biệt không nóng vội được.
Đối với phong trào cờ Quảng Ninh muốn phát triển mạnh phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung đào tạo về con người, từ HLV, hướng dẫn viên đến VĐV. Tức là phát triển theo chiều sâu mới mong bền vững.
Hiện nay vừa là Chủ tịch, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Đầu tư Quảng Ninh, ông còn đảm nhiệm Chủ tịch Liên đoàn Cờ Quảng ninh; Phó chủ tịch Hiệp hội Golf Quảng Ninh; ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và ủy viên BCH hội quy hoạch Quảng ninh. Ông kể, nhà ông cũng neo người, giờ con cái ông đang trong tuổi lớn càng cần có sự quan tâm của gia đình và xã hội nên thời gian với ông đúng là quý hơn vàng. Hỏi ông việc ôm đồm ‘vác tù và hàng tổng” thế này có bị bà nhà kỳ kèo gì không? Ông cười, bà ấy biết tính tôi mà. Vừa qua, nhờ sự nỗ lực của ông và nhiều người khác, Cờ Tướng Quảng Ninh đã có 2 kỳ thủ được đi tập huấn Trung Quốc bằng nguồn xã hội hóa. Đào Thủy Tiên, một trong hai em có được may mắn ấy chỉ mong muốn mình có thật nhiều sức khỏe để học tập, cố gắng luyện rèn sức cờ để một ngày nào đó giành thành tích cao trên đấu trường quốc tế, góp phần đưa phong trào Cờ Quảng Ninh nói riêng và Cờ Việt Nam nói chung bay cao.
Thịnh Hường