Menu

Có một Bác sỹ như thế

Có một Bác sỹ như thế

01 Tháng Ba 2010

Có một Bác sỹ như thế

Qua những câu chuyện Bác sỹ Lê Việt Phú kể về những chấn thương của các VĐV, những khó khăn trong công việc chăm sóc các võ sỹ, tôi không khỏi ngỡ ngàng và hiểu ra rằng còn có rất nhiều vấn đề liên quan đến nghề Bác sỹ thể thao chứ không đơn thuần chỉ là chăm sóc, sơ cứu bệnh nhân như chúng ta vẫn thường thấy tại các trận đấu.

Những ai yêu mến thể thao nói chung và môn Quyền Anh nói riêng sẽ không thể không nhớ đến một Trọng tài, Bác sỹ quốc tế Lê Việt Phú – cựu tay đấm kỳ cựu những năm thập niên 80 của làng đấm bốc Thủ đô. Sau quãng thời gian gần chục năm chữa trị thành công cho đông đảo bệnh nhân tại phòng mạch ở gần trường Đại học Thủy Lợi (Hà Nội), mới đây, Bác sỹ Phú lại bất ngờ “du nam” và chọn đất Thủ (Bình Dương) để tiếp tục công việc chữa bệnh của mình.

Sinh năm 1966, là một trong những học sinh ưu tú của trường Hoàn Kiếm (Hà Nội) sớm say mê môn Quyền Anh - môn thể thao được cho là "mạo hiểm" vào thời bấy giờ vì khi tập luyện thường xuyên xảy ra chấn thương Lê Việt Phú đã đăng ký tham gia lớp học Quyền Anh và được thầy giáo, bạn bè chỉ bảo tận tình. Chàng trai Phú ngày nào đã nhanh chóng tiếp thu các kỹ chiến thuật của môn này và đăng quang ngôi Vô địch năm 1981. Đặc biệt, trong suốt 6 năm liền Việt Phú đã giữ vững ngôi vị và giành được thứ hạng cao cho Quyền Anh Việt Nam khi giành ngôi Vô địch tại giải Quyền Anh 3 nước Đông Dương năm 1987.

Bác sỹ Phú (bìa trái)(Ảnh: HB)
Tuy nhiên, cuộc đời VĐV kéo dài không lâu, do gặp chấn thương nên chàng trai Lê Việt Phú đã từ bỏ sự nghiệp và chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới - nghề Y!. Sở dĩ nghề Y hấp dẫn Phú là vì trước đây do gặp nhiều chấn thương trong tập luyện và thi đấu, Việt Phú hiểu hơn ai hết nỗi khổ của những VĐV khi họ ở trong hoàn cảnh này. Dù không còn tập luyện nữa nhưng Việt Phú mong muốn có thể giúp ích thật nhiều cho các VĐV thể thao nói chung và Quyền Anh nói riêng khi gặp chấn thương.

Miệt mài đèn sách tại trường Tuệ Tĩnh rồi tham gia nhiều khoá học của các Bệnh viện, các chuyên gia, chàng trai Phú mê đấm bốc ngày nào đã trở thành một trong những Bác sỹ thể thao có thâm niên và kinh nghiệm được nhiều người biết đến.

Nhắc đến tài chữa bệnh của Bác sỹ Phú, làng Quyền Anh quốc tế lại thán phục bác sỹ Phú của Việt Nam. Trong đợt tháp tùng đội tuyển sang tập huấn tại Thái Lan để chuẩn bị cho SEA Games 22 (7/2003), ngoài việc chăm sóc sức kỏe cho các tuyển thủ Việt Nam, bác sĩ Phú còn chữa lành bệnh chèn ép thần kinh cột sống (số 4 và 5) cho phu nhân Thiếu tướng Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn Quyền Anh Thái Lan. Ngạc nhiên trước khả năng chữa bệnh của một bác sĩ từng là võ sĩ của Việt Nam, từ HLV cho đến các võ sĩ của đội tuyển Quyền Anh Thái Lan bị chấn thương nặng đều nhờ đến sự “mát tay” của bác sĩ Phú. Không quá ngạc nhiên khi Trưởng đoàn Quyền Anh Thái Lan dẫn đoàn sang tham dự giải Vô địch ĐNA được tổ chức vào tháng 1/2005 tại Hà Nội đã khẳng định: “Thành công của nhà Vô địch Olympic Athens 2004 hạng -69kg Boonjumnong Manus của Thái Lan là có một phần công lao của bác sĩ Phú!. 

Chưa hết, nhân dịp sang quan sát và điều hành giải trẻ Châu Á 2004 (7/2004 tại Hà Nội) và giải Vô địch ĐNA 2005 (1/2005 tại Hà Nội), Chủ tịch Hiệp hội Quyền Anh nghiệp dư thế giới (AIBA) Anwer Chowdhry và Giám đốc Trọng tài AIBA Sabit M Kamel đều tìm Bác sĩ Phú chữa trị chấn thương cột sống cho mình. Anh cho biết: “Hiện nay, ngoài việc chữa bệnh vốn chiếm khá nhiều thời gian của tôi, nhưng tôi vẫn giành thời gian cho Quyền Anh, môn thể thao mà nửa cuộc đời của tôi đã gắn bó”. 

Bằng chính tài năng của mình cùng tình yêu cháy bỏng dành cho Quyền Anh, Bác sỹ Lê Việt Phú đã và sẽ tạo nên những đột phá đáng ghi nhận. Thành công còn chờ đợi ở tương lai và chúng ta có quyền hi vọng về kết quả, những khám phá mới mà Bác sỹ Phú đang nghiên cứu sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho thể thao Việt Nam nói chung và Quyền Anh nói riêng. 

Thiên Hà

Print

Số lượt xem (3851)/Bình luận (0)

Tags:

Comments are only visible to subscribers.