|
Công cuộc đổi mới chắc chắn sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho sự phát triển của Cờ Việt Nam (Ảnh: T.Hường) |
Trước những bất cập vẫn tồn tại trên các mặt hoạt động như: công tác chuyên môn, tài chính, phát triển hội viên, phong trào hay hoạt động của các ban chức năng của Liên đoàn... khiến dư luận và kể cả những VĐV đẳng cấp cao của làng cờ phải lên tiếng và mong muốn có sự thay đổi, để nâng cao hoạt động của Liên đoàn, tuy nhiên, mọi việc vẫn không có nhiều chuyển biến.
Tín hiệu lớn về sự đổi mới chỉ thực sự được phát ra tại cuộc họp bất thường của Ban chấp hành Liên đoàn Cờ nhiệm kỳ V vào trung tuần tháng 7 tại Khách sạn Đệ Nhất, TP. HCM. Tân Tổng thư ký Nguyễn Phước Trung khi ấy nhấn mạnh: “Trong quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ V, tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh việc phát triển phong trào cờ trong cả nước song song với việc xây dựng các quy chuẩn về phong cách, tổ chức thi đấu quốc gia, quốc tế...”. Thông tin này, ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, từ chính đội ngũ VĐV, HLV, chuyên gia, giới chức và cả người hâm mộ.
Nhiều tháng qua, với sự vào cuộc khá tích cực của các đơn vị, địa phương, CLB, đi đầu là đội ngũ cán bộ của Liên đoàn, nhiều ý kiến bàn về công cuộc đổi mới trong việc phát triển phong trào, quy chuẩn phong cách, tổ chức thi đấu quốc gia, quốc tế đã xuất hiện trên thông tin đại chúng; từ ngay chính Tạp chí Người chơi cờ của Liên đoàn cho đến website, diễn đàn cờ..., tạo ra một khí thế mới cho cuộc chuyển mình.
Trên các kênh thông tin đại chúng, tại các cuộc họp, Hội thảo, nhiều ý kiến quý báu đã được trình bày, ngõ hầu, hiến kế, hóa giải những cản trở để công cuộc đổi mới được triển khai quyết liệt. Đổi mới, thay đổi phương thức, cách làm và thậm chí là cả thói quen mang tính quy luật của sự phát triển. Trên con đường tiến tới xây dựng một Liên đoàn phát triển vững chắc, chuyên nghiệp thì việc đổi mới nhất thiết phải diễn ra nhiều lần.
Trước sự phát triển như vũ bão của phong trào Cờ quốc tế, nhất là ở các cường quốc trên thế giới như: Nga, Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc…, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế hoạt động của các Ban chức năng thuộc Liên đoàn là không còn phù hợp, cần phải được thay đổi, học tập có chọn lọc ở những quốc gia có phong trào cờ phát triển để áp dụng cho Liên đoàn. Ban chấp hành cần thiết thành lập đầy đủ các Ban chức năng theo Điều lệ của Liên đoàn; ở đó mỗi Ban đều có một Trưởng ban và các thành viên, mỗi Trưởng ban sẽ thực thi nhiệm vụ theo sự định hướng của một Phó Chủ tịch.
Trên thực tế, năm qua nhiều thành viên của các Ban hoạt động tích cực, góp phần hoàn thành một số nhiệm vụ của Ban chấp hành được quy định trong điều lệ Liên đoàn. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các thành viên chỉ là đơn lẻ hoặc nhóm nhỏ, không có tổ chức bài bản đúng nghĩa của một Ban. Các Ban chưa một lần tổ chức họp các thành viên, thậm chí một số thành viên cũng chưa biết mình thuộc Ban nào; Hàng năm các Ban không có tổng hợp hoạt động của năm trước và vạch ra chương trình hoạt động trong năm sau; Chưa có văn bản nào của Liên đoàn quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Ban và cũng không có chương trình định hướng nào của Phó Chủ tịch phụ trách đối với các Trưởng Ban v.v..
Hay đối với công tác tổ chức thi đấu cũng có nhiều ý kiến cho rằng: Thời lượng các cuộc thi đấu giải quốc gia kéo dài như các giải trẻ, giải hạng nhất, giải cờ nhanh … Các giải tập trung nặng về chuyên môn nhưng quá kéo dài, gây nhàm chán và mệt mỏi đối với người tham gia. Giải kéo dài cũng tốn kém hơn cho nhà tổ chức nên nhiều đơn vị đã hủy kế hoạch tổ chức vào giờ chót, đẩy gánh tổ chức giải tập trung cho vài địa phương; Một số giải kém hấp dẫn, không thu hút được các kỳ thủ mạnh tham gia như giải đồng đội mạnh, giải đấu thủ mạnh; Đa phần các đơn vị tham dự không đăng ký trước khiến công tác tổ chức luôn ở thế bị động, không chuẩn bị kịp cơ sở vật chất như giải Cờ Vua trẻ, giải Cờ Tướng đồng đội; hoặc chuẩn bị quá thừa như giải Cờ Tướng đấu thủ mạnh, giải Cờ Vây LS…
Nếu tiếp tục để mô hình hoạt động, tổ chức giải theo kiểu cũ thì, như nhiều chuyên gia trong làng cờ đã cảnh báo, chất lượng của các giải đấu không thể cải tiến, không những không thu hút được các VĐV có trình độ cao tham dự mà còn làm mất dần đi tính hấp dẫn vốn có của nó; Việc không quy tụ được những cán bộ phát triển từ cấp phong trào sẽ dẫn đến “sa bẫy”, nghĩa là không tận dụng được người tài, không quy tụ được nguồn lực cả về con người lẫn của cải, không có sự liên kết giữa các đơn vị, địa phương, phong trào và công tác đào tạo tuyến dưới bị phã vỡ, nhân tài của quốc gia vì thế không được khai lộ. Cho nên trong giai đoạn này, công cuộc đổi mới của làng cờ Việt là yêu cầu cấp thiết để tránh được những rủi ro trong tương lai.
Công cuộc đổi mới của Cờ Việt Nam phải được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực: hoạt động của Ban chấp hành, văn phòng, chuyên môn, xây dựng lực lượng, truyền thông… nhằm huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, phân bổ nguồn lực chính xác tạo ra hiệu quả hoạt động cao, đảm bảo cho sự phát triển chuyên nghiệp, bền vững, tạo cơ sở cho những giai đoạn tiếp theo của Liên đoàn.
Năm 2013, thực sự là một cuộc biến đổi mang tính "cách mạng" của Liên đoàn, đòi hỏi sự nỗ lực phi thường, quả cảm của cả một hệ thống từ trung ương đến địa phương. Nhưng nói thì dễ làm lại là chuyện khác. Trong mớ bòng bong của biết bao những khó khăn còn đang chồng chất khi triển khai công cuộc đổi mới, nhiều nhà quản lý tập trung vào hai điểm chính: Những rào cản và sự đánh đổi. Đó chính là việc thay đổi những quan điểm về tư tưởng, bệnh thành tích, lối tư duy cục bộ… và chấp nhận hy sinh những quyền lợi trước mắt để có được một tốc độ phát triển bền vững hơn trong tương lai. Hơn nữa, với sự đồng thuận, hy sinh từ các cấp, từ chính đội ngũ VĐV, HLV, chuyên gia, CLB, địa phương sẽ tạo ra nguồn sức mạnh nội lực to lớn giữ vai trò quyết định, là đường băng đủ dài để phong trào cờ tại các địa phương cũng như thể thao thành tích cao cất cánh.
Công cuộc đổi mới với những kế hoạch cụ thể đã được Liên đoàn Cờ phát lệnh và nhận được sự ủng hộ của không chỉ giới chức cờ. Năm mới, xuân mới, tương lai mới đã thực sự bắt đầu với những bước đi đầu tiên trong công tác văn phòng, phối hợp giữa Liên đoàn, Bộ môn, xây dựng quy chuẩn chuyên môn, tổ chức thi đấu… Công cuộc đổi mới diễn ra trong nhiều năm, hiệu quả của nó không thể nhìn thấy ngay trong một khoảng thời gian ngắn; đặc biệt trong thời điểm này khi nền kinh tế vẫn đang vùng vẫy tìm lối thoát, việc kêu gọi tài trợ càng trở nên khó khăn hơn, bởi vậy đòi hỏi mỗi cán bộ trong Ban chấp hành Liên đoàn phải cố gắng gấp nhiều lần hơn nữa, nỗ lực vì một mục tiêu chung, đó cũng là lúc niềm tin của người hâm mộ, của các HLV, VĐV, người yêu cờ trên cả nước dần hé lộ!
Xuân Nhi